Chuyện tình nhà Tân Hiệp Phát: Hơn bốn thập kỷ biến động, giông bão vẫn dừng sau cánh cửa
Cuộc hôn nhân kéo dài hơn 4 thập kỷ đầy gian nan của ông Thanh - bà Nụ và 25 năm nỗ lực vươn lên của Tân Hiệp Phát, gia tộc họ Trần đã gây dựng một cơ nghiệp đồ sộ, được cộng đồng doanh nhân quốc tế đặc biệt chú ý.
Năm 1994, thời điểm nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn nghèo khó và đầy rẫy khó khăn, hiếm ai nghĩ tới một phân xưởng nước giải khát Bến Thành sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam. Thậm chí đang tiến sát mục tiêu doanh thu tỷ USD, xuất khẩu đi 20 thị trường quốc tế, vượt qua các ông lớn nước giải khát trong ngành hàng nước uống tốt cho sức khỏe.
Phân xưởng Bến Thành và Tân Hiệp Phát bấy giờ đã làm nên kỳ tích từ triết lý mà nhà xuất bản Forbes gọi là "không gì là không thể" và văn hóa xem doanh nghiệp như đại gia đình.
Hạnh phúc của gia đình nhỏ Dr. Thanh trở thành nền tảng để tạo nên hạnh phúc của đại gia đình Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Giới kinh doanh đánh giá, đằng sau sự thành công của Tân Hiệp Phát là nỗ lực của từng thành viên trong "đại gia đình" và mắt xích kết nối quan trọng nhất xuất phát từ sự gắn bó keo sơn của vợ chồng nhà sáng lập Trần Quí Thanh.
"Nụ, em suy nghĩ kỹ chưa? Gật đầu theo tôi là không hối hận nghe"
Hơn 40 năm trước, cô hoa khôi gặp gỡ và nên duyên cùng chàng “giang hồ thứ thiệt”. Chẳng ai nghĩ ra viễn cảnh về một gia đình hạnh phúc và sung túc, bởi sự đào hoa của người chồng lúc bấy giờ. Nhìn lại 2 thập kỷ gắn bó, đắp xây tổ ấm nhỏ và gây dựng thương hiệu nước giải khát có chỗ đứng trên thị trường, ngay cả người trong cuộc cũng bồi hồi trước những gian nan họ đã cùng vượt qua.
“Chính em là nguồn động viên - Chính em là nụ hoa thơm ngát”, những câu hát thấm đẫm cảm xúc được ông Trần Quí Thanh cất lên đúng dịp 40 năm ngày cưới. Dưới sân khấu, bà Phạm Thị Nụ nhoẻn miệng cười, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc không gì sánh được khi nghe từng lời ca như tâm sự của chồng.
Là người kinh doanh, vốn không tin tử vi bói toán nhưng ông Thanh luôn thầm cảm ơn số phận đã dành tặng cho mình một người vợ, đúng như lời phán của ông thầy năm xưa là "vượng phu ích tử”, để ông có thể theo đuổi hoài bão và dựng lên cơ ngơi ngày hôm nay.
"Nụ, em suy nghĩ kỹ chưa? Gật đầu theo tôi là không hối hận nghe".
Lời cầu hôn ông Trần Quí Thanh dành cho vợ nghe có vẻ kỳ cục và chẳng chút nên thơ, lãng mạn. Ấy vậy mà lúc bấy giờ, cô gái đẹp người lại đẹp nết Phạm Thị Nụ khẳng định chắc nịch: “Anh đi đâu em cũng theo anh. Em sẽ luôn là cánh tay mặt của anh”.
Ngày ấy, ông Thanh và bà Nụ quen nhau bởi cái sạp bán ngoài chợ. Ông hay ra mua mật rỉ về làm men. Khi ấy, có hai người chuyên bỏ mối cho ông Thanh. Một chính là bà Nụ, mối kia là cô Mười Ba, con một gia đình giàu có. Ngoài quan hệ mua bán, cả hai người con gái lúc bấy giờ đều tỏ ra kết chàng trai Trần Quí Thanh.
Quen nhau một thời gian, bà Nụ hay qua lại nhà ông Thanh, người mà lúc bấy giờ có tiếng là chàng trai trẻ phong trần, đào hoa và tràn đầy tự tin. Vốn khéo léo, bà nhanh chóng được lòng bố chồng tương lai. Ông Tám – cụ thân sinh ra ông Thanh – ưng cô Nụ ra mặt, đến mức ngày nào cũng hối thúc con trai lập gia đình.
Thời trai trẻ, ông Thanh từng trải qua những mối tình khó quên trong đời. Tuy đào hoa nhưng ông rất rõ ràng trong việc lựa chọn bạn đời. Chàng trai trẻ nghĩ, nếu lấy vợ đẹp mà thiếu đức hạnh, không biết thu vén gia đình, làm chồng mà chỉ ngồi nhà trông thôi cũng phát mệt.
Về sau, ông mới tâm sự cùng các con rằng, với con mắt tinh tường của mình, ông đã sớm biết cô Nụ bấy giờ là người ý tứ nhẹ nhàng, tháo vát trong chuyện làm ăn, sống có trách nhiệm, không ăn chơi đua đòi.
Ngày đó, cô Nụ xinh tươi, trẻ đẹp. Tuy bán sạp ngoài chợ nhưng cô từng là hoa khôi trường Luật, vì hoàn cảnh gia đình mà phải nghỉ học. Sau nhiều lần đi chơi chung và suy nghĩ đã chín, chàng thanh niên tên Thanh đã tỏ lòng mình.
Ấy vậy mà khi cô Nụ nói “Anh thương thì về hỏi cưới em đi”, Thanh suýt bật ra câu vạ miệng rằng “Anh chưa muốn lấy vợ”. May mà kịp bĩnh tĩnh lại, phân tích cho cô Nụ nghe: “Phụ nữ có tới sáu, bảy vai trò. Em gái nè, em nuôi nè, rồi người yêu, người tình, bồ và người vợ. Trong tất cả các vai trò đó, cái nào cũng đều chỉ chia vui, duy nhất người vợ là phải sẻ buồn. Sao em lại dại vậy?”.
Chuyện tình yêu của cặp đôi sáng lập ra Tân Hiệp Phát đã trải qua hàng chục năm cuộc đời
Trước câu hỏi của chàng trai, cô Nụ vẫn khăng khăng: “Anh không tin em sao?”. Thanh tiếp tục: “Lấy anh em có một cái lợi và một cái hại. Lợi là không có cảnh mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng vì anh là con một. Còn hại là đường đời lỡ như thất bại, phải tự mình lồm cồm bò dậy, chớ không có ai đỡ em đâu”.
Trước ngày cưới, ông Thanh với bà Nụ cũng gặp khó khăn ở cửa ải nhà ngoại. Thiên hạ đồn thổi về “thằng Thanh” giang hồ ăn chơi khét tiếng, bồ bịch lung tung, máu mê cờ bạc lại chuyên đi gạt tình phụ nữ với thành tích bất hảo. Nghe thế, bà con xa lắc xa lơ cũng kéo tới mà phản ứng rầm rầm.
Bà Nụ một lần nữa khẳng định chắc nịch với bố mình: “Con suy nghĩ rất kỹ rồi ba. Con không chỉ thương, mà còn hiểu anh Thanh”. Dưới sự quyết liệt của bà, mọi chuyện cũng êm xuôi.
Có lẽ, lúc gật đầu theo ông Thanh, chính bà Nụ cũng không ngờ, mình phải sẻ buồn, phải tự lồm cồm bò dậy trước mỗi sóng gió của cuộc đời đúng như lời tiên đoán của ông thật. May thay, bà đã gật đầu là không hối hận.
Sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh doanh, cả hai bàn tính và nuôi mộng xây dựng hãng nước giải khát dẫn đầu thị phần trong nước. Những bước chập chững đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa ước mơ chẳng ít gian truân.
Sau khi buôn đường cát, gia đình tiến lên buôn bán nước ngọt, rồi chuyển sang sản xuất bia. Năm 1994, ông Thanh mua thanh lý một dây chuyền, thực chất là một mớ phế liệu, để bắt đầu chinh phục những kế hoạch lớn lao hơn.
Vào thời kinh tế chưa mở cửa, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển phải tự nhập mua dây chuyền thanh lý từ những công ty trong nước mà không được nhập từ nước ngoài.
Với dàn máy gần như là phế liệu, chàng kỹ sư Bách Khoa tự mày mò cải tạo thành dây chuyền sản xuất nước giải khát. Chỉ 5 năm sau, nhờ tích cóp và mua đất, ông Thanh mua thêm được dàn máy hiện đại nhất nhì Đông Nam Á. Phân xưởng nước giải khát Bến Thành ra đời, làm tiền đề phát triển Tân Hiệp Phát thành công ty nước giải khát phát triển nhanh nhất nhì thị trường.
Bà Phạm Thị Nụ không chỉ là người vợ mà còn là cánh tay phải đắc lực của Tổng Giám đốc Trần Quí Thanh
Ông Thanh nhớ như in ngày đi đấu giá 5 dây chuyền bán phế liệu đã hoạt động trên 50 năm của một công ty bia tại Sài Gòn với giá 1,2 tỷ đồng. Một phần ông bán phế liệu được 600 triệu đồng, phần còn lại huy động mọi người ráp lại, dù đó gần như là điều bất khả thi. Bắt đầu từ những điều không thể ấy, vợ chồng ông cho ra đời những chai nước giải khát đầu tiên.
Trên con đường phát triển cơ nghiệp gia đình, số lần Tân Hiệp Phát rơi vào những "nốt trầm" cũng nhiều như những giải thưởng, tiêu chuẩn trao cho doanh nghiệp ở những "nốt thăng".
Cưới nhau vào cuối những năm 1970, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ bấy giờ hết sức khó khăn. Đất nước đang rơi vào cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Bà Nụ mang bầu đã lớn lắm nhưng một ngày chỉ được ngủ mấy tiếng, còn phải chạy chiếc xe Honda 67 lên miệt núi Bà Đen, Tây Ninh buôn bán đường.
Thời ấy biết bao vất vả mà không biết tỏ cùng ai. Có bữa do mệt và thiếu ngủ quá, lạng quạng thế nào, bà ngã văng xuống mương rồi thiếp đi không biết trời đất. Rạng sáng, bà bừng tỉnh dậy, được người đi đường phủi bụi, đạp xe máy giùm cho, đỡ lên xe rồi bà lại chạy tiếp. Chuyện "động trời" đến mà bà giấu nhẹm khi về nhà, tuyệt đối không hé răng để chồng biết vì sợ ông không cho đi nữa.
Nhiều lúc tủi hờn, vất vả, vừa đạp xe vừa nhìn xuống cái bụng bầu lớn vượt mặt, nước mắt cứ thế chảy dài. Thế nhưng, hơn ai hết, bà biết rằng, ở nhà kia, chồng bà – ông Thanh – cũng đang quần quật ngày đêm với những khó khăn bộn bề của hiện tại. Dự định tương lai vẫn mịt mù ở phía trước.
Trong bối cảnh xưa cũ đó, ngay cả bà Nụ cũng không có chút hình dung nào về những viễn cảnh để đến với gia đình mình, về cái gọi là tập đoàn Tân Hiệp Phát của những năm sau này. Thế nhưng, bằng tất cả tình yêu thương và sự tin tưởng dành cho chồng, cho cha của những đứa con mình, bà luôn sát cánh và ủng hộ ông Thanh trong mọi việc.
Ngay cả những quyết định cứng rắn và khắc nghiệt nhất của chồng, bà Nụ cũng đồng thuận. Bởi bà đã cùng chồng đi qua quá nhiều sóng gió và hiểu rằng, đứng trước những cơn sóng lớn, nhiều khi con thuyền có thể nhìm chỉ vì một lỗ thủng nhỏ, rất khó để nhận ra.
Cứ thế, cứ thế, tình cảm của hai người như sợi dây đan chặt, càng lúc càng bền lâu, gắn bó.
Sự đồng hành của ông bà Dr Thanh - Madam Nụ đã làm nên thương hiệu Tân Hiệp Phát
Sóng gió ập đến, chính con gái khuyên ba mẹ ly dị
Ông Thanh giỏi điều hành doanh nghiệp, là bậc thầy dùng người trong công ty, chăm chú nghiên cứu, tâm huyết chế biến. Nhưng sau khi thành phẩm, mọi công đoạn chuyển sang bà Nụ.
Người phụ nữ đứng sau thành công của Tân Hiệp Phát không chỉ là người bán hàng kỳ cựu mà còn là người chị, người cô tinh thần luôn đồng hành, sát cánh và gần gũi như người nhà với nhân viên trong công ty.
Bà Nụ một tay lo toan, vun vén chuyện gia đình, chăm lo cho ba 3 đứa con. Rồi lại đối ngoại với bạn hàng, đối nội với họ hàng và cả mấy ngàn nhân viên trong công ty gia đình mình. Không có nhân viên nào trong công ty bà không biết, không còn hoàn cảnh nào bà không hay. Ngay cả ngóc ngách trong nhà máy, cũng không có chỗ nào bà Nụ không rành. Đó là cách bà kề vai sát cánh với người đàn ông của mình.
Chưa bao giờ ỷ thế mình là người phụ nữ quan trọng nhất, bà Nụ luôn tôn trọng tư tưởng kinh doanh, vai trò chỉ đạo và cả những thói quen, cách sống của ông Thanh. Khi chồng dấn thân vào con đường kinh doanh, bà hiểu rằng, phải biết chấp nhận một cuộc sống đầy rủi ro và biến động.
Thế nhưng, sự mềm mỏng, sẻ chia nhưng vẫn đầy kiên cường và quyền lực của bà đã giúp ông Thanh từng ngày nhận ra ý thức và trách nhiệm của một người chồng, một người cha đối với gia đình, vợ con.
Ông Thanh “thú nhận” với con gái rằng, bà Nụ là tác nhân lớn nhất làm thay đổi ngoạn mục từ bên trong lối sống bất cần đời thời tuổi trẻ của mình.
Suốt cả chặng đường dài, ông Thanh chưa một lần ngọt ngào với vợ. Người đàn ông cương nghị luôn giữ kỷ cương trong gia đình, giữ kỷ luật trong công việc. Càng thương, ông Thanh càng đưa ra nhiều thử thách. Đến độ, ở công ty, bà Nụ là người bị chồng rầy la nhiều nhất.
Những tưởng ngày cơ hàn qua đi sẽ mang cầu vồng đến, nhưng niềm ham mê công việc cuốn ông theo và để lại cho vợ niềm trăn trở với câu hỏi lớn: Liệu ông có còn quan tâm đến gia đình? Nuôi chí lớn và quyết tâm thực hiện, ông lại trách bà không ủng hộ và đồng hành cùng ông. Thậm chí, chính con gái đã khuyên ba mẹ li dị để tìm con đường riêng.
Biến cố đầu tiên diễn ra vào năm 2003, khi đang ở vị thế thứ ba trên toàn quốc trong ngành bia, Tân Hiệp Phát táo bạo đầu tư toàn bộ hệ thống từ Đức, sản xuất bia đóng chai, cho ra đời bia Laser. Sản phẩm mang theo ước mơ tạo sự đột phá đã gánh chịu thất bại đau đớn khi không thể cạnh tranh với những thương hiệu mạnh khác.
Đến 2014, khi công ty đang kẹt tiền để khởi công nhà máy Number 1 Chu Lai, nguồn vốn tự có không đủ trang trải trong khi ngân hàng đang giữ phần lớn số tiền tiết kiệm của gia đình lại rơi vào kiện tụng. Bà Phạm Thị Nụ gặp cơn tai biến dẫn đến liệt nửa người. Cũng vào giai đoạn đó, công ty liên tiếp rơi vào khủng hoảng truyền thông.
Đó là thời điểm cả “tượng đài” ấy dường như suy sụp. Từ “liệt” dường như chưa từng xuất hiện trong ý niệm của cả gia đình, ngay cả ông Thanh cũng vậy. Không một ai trong cha con ông chịu chấp nhấn sự thật khó khăn về việc bà Nụ không thể đứng lên, đi lại được.
Ba người con, những kỷ niệm và cái nắm tay chặt là những gì còn lại, bỏ lại giông bão sau cánh cửa
Ông Thanh nặng trĩu lòng mà nói với con gái rằng, nếu vợ có chuyện gì, ông sẽ không còn động lực để tiếp tục chiến đấu. Ông cũng rưng rưng nước mắt mà cậy nhờ y bác sĩ cứu chữa cho vợ mình. Vào thời điểm khủng hoảng của Tân Hiệp Phát với hàng loạt chuyện “đau đầu” phải giải quyết ở công ty, áp lực dồn dập nhưng ông Thanh chưa một ngày sai lịch thăm vợ.
Người đàn ông vốn lạnh lùng ấy luôn vào viện với tiếng cười đùa, tạo không khí nhẹ nhàng và động viên vợ. Biến cố càng làm ông trân trọng người phụ nữ ở bên mình hơn. Ba người con, những kỷ niệm và cái nắm tay chặt là những gì còn lại, bỏ lại giông bão sau cánh cửa.
Tân Hiệp Phát băng qua sóng gió, xây dựng hoàn chỉnh 3 nhà máy sản xuất nước giải khát, lắp 10 dây chuyền vô trùng vô khuẩn Aseptic (Đức) được đánh giá là hiện đại nhất châu Á.
Sức khỏe bà Nụ khá lên, tiếp tục là "cánh tay mặt" của ông Thanh như lời hứa từ những ngày son rỗi. Hai người con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích song hành quản lý các mảng hoạt động của công ty dưới sự dẫn dắt của "Dr. Thanh".
40 năm cuồng phong, giông bão vẫn dừng sau cánh cửa
Nắm chặt tay sau 40 năm đồng hành, hai từ “cam kết” được ông bà nhắc lại nhiều lần như chính chất keo gắn kết cho chặng đường dài đã qua. Là một người Công giáo, bà càng tin vào giao ước ngày vợ chồng làm lễ tại thánh đường. Điều này trở thành cánh tay kéo bà lại mỗi khi có ý định buông bỏ.
Bà quan niệm người lái xe nếu không cho nhìn trước, nhìn sau sẽ dễ gây tai nạn. Đàn ông cũng vậy, khi ra đường vẫn phải quan sát nhưng đi đến nơi, về đến nhà.
Bà từng bộc bạch: “Cơm sôi thì bớt lửa, cuộc sống gia đình sẽ có lúc người phụ nữ cần cố gắng chịu đựng để giữ gìn. Mình đã chọn có thêm người bạn đời thì cần giữ nhiều hơn. Mỗi người đều có sở thích riêng nhưng luôn đi kèm trách nhiệm, biết rõ cái giá phải trả khi chọn cái mình muốn và nhận thức rõ mái ấm gia đình là trên hết. Và ở gia đình đó còn có đồng đội của mình”.
Còn ông luôn nói với con: “Khi cưới vợ gả chồng không phải tìm người yêu mà tìm bạn đời chia ngọt sẻ bùi, dựa trên giá trị cốt lõi để bổ sung cho nhau. Lúc người đàn ông gặp khó khăn, thách thức thì vợ sẽ hỗ trợ và ngược lại, như thế mới tạo ra được giá trị bền vững”.
Vượt khỏi mái ấm nhỏ, ông bà dùng chính “cam kết” đôi lứa để xây dựng đại gia đình Tân Hiệp Phát với phương châm “không gì là không thể”.
Không những 40 năm qua, mà 40 năm nữa là lời khẳng định chắc nịch của ông Trần Quí Thanh về cuộc hôn nhân của mình. Đó cũng là cam kết về một tương lai phát triển bền vững của đứa con tinh thần, gia đình thứ 2 - Tân Hiệp Phát, để tạo ra nhiều giá trị hơn nữa không chỉ về kinh doanh mà còn cho cộng đồng.
Trong buổi công chiếu vở kịch “Chuyện nhà Dr Thanh” như một món quà mà người chồng người con tặng cho Madam Nụ, ông chủ “lạnh lùng” của Tân Hiệp Phát đã không ngần ngại hôn vợ trước đám đông.
Dr Thanh ngọt ngào hôn Madam Nụ trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày cưới
Nguồn: Zing News
Những lời yêu thương và trân trọng đối với người bạn đời tri kỷ của mình cũng được ông giãi bày: “Vở kịch này như một món quà, món quà tôi thay mặt những người đàn ông cảm ơn sự tận tuỵ, hy sinh của những người phụ nữ trong gia đình. Những người phụ nữ đã cùng những người chồng hằng ngày vun đắp xây dựng gia đình, giữ lửa cho gia đình, cùng người chồng vượt qua khó khăn trong công việc, cuộc sống. Tặng cho Nụ, cánh tay mặt của anh!”.
Ở dưới khán đài, Madam Nụ lặng lẽ lau đi những giọt nước mặt hạnh phúc. Xin dùng lời thơ bà viết tặng chồng để khép lại một chuyện tình viên mãn: “Cảm ơn Anh vì lời Thơ Anh viết/ Cho riêng em – với ngần ấy năm dài/ Cảm ơn Anh – bờ vai làm điểm tưa/ Tiếp cho em thêm sức mạnh trong đời”.
Qua 40 năm cuộc hôn nhân đầy gian nan của ông Thanh và 25 năm nỗ lực vươn lên của "đứa con" Tân Hiệp Phát, gia tộc họ Trần đã gây dựng một cơ nghiệp đồ sộ hiếm hoi tại Việt Nam và là câu chuyện được cộng đồng doanh nhân quốc tế chú ý. Tân Hiệp Phát hiện sở hữu 4 nhà máy công suất hàng tỷ lít một năm, doanh thu tiến sát mức một tỷ USD, sản phẩm xuất khẩu đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2019 là năm Tân Hiệp Phát kỷ niệm 25 năm thành lập, cũng là năm đánh dấu 4 thập kỷ gắn bó của vợ chồng nhà Dr. Thanh.
"Đó là những mắt xích bền chặt giúp kết nối đại gia đình Tân Hiệp Phát, đồng thời là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện những hoài bão lớn trên con đường chinh phục thế giới", ông Trần Quí Thanh nói.
Trong tương lai, tập đoàn này xác định sẽ tiếp tục vươn ra thế giới bằng cách thiết lập nhà máy, cơ sở kinh doanh tại từng thị trường, khẳng định với thế giới năng lực doanh nghiệp Việt và thành công đến từ nền tảng gia đình.
Hải Yến