CIG thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận chưa phân phối vẫn âm
Công ty Cổ phần COMA 18 vừa công bố Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, công ty đã huy động được 195 tỷ đồng từ việc phát hành 19,5 triệu cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, phần vốn huy động dành cho Dự án Khu công nghiệp Kim Thành (Hải Dương) là 95 tỷ đồng. Ngày kết thúc đợt chào bán là 07/01.
Toàn bộ số vốn 95 tỷ đồng dành cho dự án được phân bổ theo tiến độ thực hiện. Trong giai đoạn từ 07/01 đến 06/7, COMA 18 đã giải ngân 93,87 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công các hạng mục như: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống thoát nước thải, cấp nước, chiếu sáng, tường chắn, kè mương, tường rào và cổng vào. Số tiền còn lại chưa chi là khoảng 1,13 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, năm 2025, dòng tiền doanh nghiệp sẽ đến chủ yếu từ việc khai thác dự án Khu công nghiệp Kim Thành – quy mô 164,98 ha. Đến thời điểm tổ chức đại hội, COMA 18 đã chi trả hơn 238 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tổng diện tích đất đã phê duyệt và thu hồi 72,843/164,98 ha, đạt 44,153% tổng diện tích khu công nghiệp. Dự kiến, trong quý II/2025, Coma 18 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bắt đầu thu hút nhà đầu tư. Công tác bàn giao mặt bằng có thể được thực hiện ngay trong quý III – IV/2025.

Kế hoạch thu nhập của COMA 18 năm 2025. Ảnh:COMA 18
Trên website của COMA 18 cho biết, doanh nghiệp xác định việc đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Kim Thành là định hướng chủ lực. Dự án này được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và các năm tiếp theo, với kỳ vọng tạo ra việc làm, nguồn thu ổn định và đưa COMA 18 bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, COMA 18 đặt mục tiêu doanh thu 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng, đều tăng gấp nhiều lần kết quả thực hiện trong năm 2024. Kết thúc năm 2024, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 95,36 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 54,45 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 63,57% và 363% mục tiêu đề ra.
Thành lập từ năm 2005 trên nền tảng của Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) thuộc Bộ Xây dựng, CIG từng có giai đoạn đạt đỉnh doanh thu gần 340 tỷ đồng vào năm 2008, nhưng lợi nhuận ròng chỉ vỏn vẹn 4,5 tỷ đồng. Từ năm 2010, công ty đối mặt với những năm tháng thua lỗ triền miên, đỉnh điểm là khoản lỗ gần 175 tỷ đồng năm 2020, kéo theo lỗ lũy kế hơn 300 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 11/7, cổ phiếu CIG ghi nhận mức tăng 3,09%, tương đương 270 đồng, lên 9.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên, CIG giao dịch trong vùng giá từ 8.740 đồng đến 9.050 đồng, với mức giá mở cửa là 8.800 đồng và giá đóng cửa cao nhất trong phiên.

Ảnh: CafeF
Cổ phiếu CIG hiện đang nằm trong diện cảnh báo kể từ ngày 25/4, theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Nguyên nhân là dù Công ty mẹ COMA 18 ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2024 là số dương, nhưng tại thời điểm 31/12/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn là số âm. Trước đó, cổ phiếu này từng thuộc diện kiểm soát và được chuyển sang diện cảnh báo do chưa khắc phục xong tình trạng lỗ lũy kế. Theo thông báo ngày 02/7 của HOSE, CIG vẫn chưa đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).