Cơ hội mở rộng thị phần cho các 'đại gia' chăn nuôi trong cuộc 'đại di dời' ngành nông nghiệp
Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó
Luật Chăn nuôi ra đời từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Theo quy định của luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực, tức từ ngày 1/1/2025 để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp.
Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động. Đây được xem là cuộc “đại di dời” của ngành nông nghiệp, giúp định hình lại lĩnh vực chăn nuôi.
Thông tin trên VTV, thực tế việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép đang gặp nhiều khó khăn, nhất là bài toán quỹ đất mới.
Từ xã nâng cấp lên thành phường nên hệ thống chuồng trại của anh Bùi Văn Xuân (Hòa Bình) đã thuộc khu vực không được phép chăn nuôi. Do vậy, anh đã phải dừng công việc chăn nuôi từ tháng 3 vừa qua. Mặc dù đã nhận chính sách hỗ trợ 79.900 đồng/1m2 chuồng trại nhưng việc tự tìm quỹ đất mới với anh lúc này là một khó khăn.
Với trên dưới 600 triệu vật nuôi, sự điều chỉnh của Luật chăn nuôi không chỉ ở khoảng cách, khu vực mà còn ở cả mật độ nuôi. Điều này được đánh giá là rất cần thiết để nâng cao chất lượng, phát triển bền vững. Nhưng hiện vẫn còn tới 24 tỉnh chưa ban hành nghị quyết về vấn đề này do thiếu nguồn lực, không bố trí được quỹ đất.
Theo giới phân tích, những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán không còn phù hợp, dành “sân chơi” lại cho các cơ sở quy mô lớn. Đây cũng là xu thế tất yếu để ngành được quy chuẩn lại.
Trao đổi với phóng viên, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chuyển dịch theo hướng kinh tế chăn nuôi, nghĩa là tăng vai trò của các doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy định gần như theo chuỗi giá trị ngành, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh khó kiểm soát. Đồng thời tăng thêm các biện pháp quản lý để tăng số lượng và chất lượng nguồn vật nuôi, hướng tới nền chăn nuôi hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, tiếp cận và tiếp nhận thông lệ và thực tiễn tốt.
Chuỗi thực phẩm do ngành chăn nuôi tạo ra sẽ được xây dựng chuyên nghiệp, cẩn thận từng khâu, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, kiểm dịch động thực vật như TBT, SPS, bảo vệ môi trường, giảm phát thải ròng.
Việc phát triển ngành chăn nuôi tạo lợi ích sẽ không gây thiệt hại cho ngành khác hay suy giảm chất lượng môi trường sống của cộng đồng. Đối với hộ nhỏ lẻ, nhất là ở các khu đô thị đông dân cư buộc phải thay đổi cơ bản là di chuyển ra khỏi khu vực. Đây là bước thay đổi quan trọng và hộ sẽ phải có sự chuẩn bị để thay đổi mô hình tổ chức không còn phù hợp với quy định mới của luật. Những hộ này cần mạnh dạn điều chỉnh, thậm chí chuyển sang làm công việc khác. Điều này rất cần sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời của nhà nước và chính quyền địa phương để tạo ra sự thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ đã tồn tại trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức gắn với hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hộ gia đình nhỏ lẻ cần có bước đi phù hợp, tránh gây ra sự thiếu ổn định như giảm thu nhập, thiếu việc làm, giảm nguồn cung từ giảm chăn nuôi hộ gia đình gây tăng giá thực phẩm. Cần có lực lượng dự trữ thực phẩm đủ lớn để ổn định giá thực phẩm khi có sự điều chỉnh cung hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Làm tốt công tác dự báo thị trường để giảm thiểu tình trạng bị động với biến động bất lợi”.
Cơ hội cho nhiều “ông lớn” chăn nuôi mở rộng thị phần
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Maybank, ngành chăn nuôi heo trong nước đang trải qua những thay đổi đáng kể, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Triển vọng tăng trưởng của ngành đang được củng cố khi mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức công nghiệp dần thay thế mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình trở thành nhân tố chủ đạo trên thị trường.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, một số doanh nghiệp đứng trước cơ hội mở rộng thị phần bởi doanh nghiệp thường có chi phí chăn nuôi thấp hơn so với hộ dân nhỏ lẻ. Theo ước tính của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam, chi phí chăn nuôi của hộ dân từ 52.000 - 54.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăn nuôi của doanh nghiệp chỉ khoảng 47.000 đồng/kg.
Doanh nghiệp cũng sẽ có nền tảng để tiếp cận nguồn vốn hiệu quả và dễ dàng hơn so với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ví dụ như vay ngân hàng hay huy động vốn bằng hình thức trái phiếu và phát hành cổ phiếu.
Do đó, nếu giá lợn giảm xuống dưới giá vốn, doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động lâu hơn, giành lấy thị phần của các hộ dân nhỏ lẻ rời khỏi ngành do thua lỗ.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, mặc dù cũng gặp khó khăn như hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nhờ tiềm lực tài chính, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đang có cơ hội lấy thêm thị phần.
Trong báo cáo triển vọng ngành chăn nuôi công bố cuối tháng 6 vừa qua, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, cơ cấu sản xuất trong ngành này đã có sự dịch chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp (thị phần tăng từ 30% lên 50%-60%). Nguyên nhân do thị phần nông hộ giảm bởi dịch bệnh, thua lỗ từ 2018-2024 và các doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại đón đầu xu hướng theo các quy định mới của Luật chăn nuôi.
Trong giai đoạn 2025-2030, BSC nhận định tốc độ xây dựng trại của các doanh nghiệp sẽ nhanh, nhưng rủi ro là tiến độ thực thi luật chậm làm tăng nguồn cung và gây sức ép lên giá.
Theo BSC, các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh là lợi thế về quy mô, tối ưu hoá hoạt động và chuỗi giá trị hoàn chỉnh (thức ăn - trang trại - thực phẩm). “Chúng tôi tin rằng chìa khóa cho tăng trưởng trung hạn nằm ở tối ưu chi phí sản xuất để tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của giá lợn hơi.” BSC nêu nhận định.
Quá trình hợp nhất hiện nay trong ngành chăn nuôi heo đang mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp chăn nuôi chế biến niêm yết như Masan Meatlife (MML), Tập đoàn Dabaco (DBC), và BAF Việt Nam (BAF). Đây là những doanh nghiệp liên tục gia tăng đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến thời gian vừa qua và có vị thế tốt nhờ khép kín chuỗi giá trị.
Điển hình như tại BAF đã xây dựng và liên tục hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín. Trong năm 2024/2025, BSC kỳ vọng BAF đạt mức tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế là 1763% và 27% khi sản lượng lợn hơi tăng mạnh nhờ bảo vệ đàn trước sự lây lan của tả lợn châu Phi và sự đóng góp đáng kể từ việc nâng cấp trang trại mới lên tổng đàn. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,6% (năm 2023) lên 16,75%/18,21% (2024/2025) nhờ giá lợn hơi trung bình duy trì quanh mức 60.000 đồng/kg; sự sụt giảm của nguyên liệu đầu vào từ 10% -20%.
Còn DBC hoạt động đa ngành nghề, trong đó lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Dabaco còn tham gia vào lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản.
Theo BSC, tỷ suất lợi nhuận gộp của DBC sẽ cải thiện từ mức -4% (năm 2023) lên 12,4%/12,7% (2024/2025) do giá lợn hơi kỳ vọng duy trì ở mức nền cao quanh 60.000 đồng/kg (tăng 13% so với cùng kỳ 2023), nguyên liệu thức ăn giảm. Tổng đàn phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi và sự đóng góp từ các trang trại lợn mới đi vào hoạt động vào năm 2023 dự kiến giúp sản lượng của DBC tăng 17%.
DBC còn được kỳ vọng bởi nghiên cứu và thương mại hoá thành công vắc xin tả lợn châu Phi. Tuy nhiên rủi ro là giá nguyên liệu đầu vào cho mảng thức ăn chăn nuôi tăng; dịch bệnh động vật, gia cầm; tổng đàn phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con; trong đó, đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế về chăn nuôi, dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều.
Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28-30%.