Chăn nuôi heo 'ngóng chờ' Tết Nguyên đán 2024

Trang Mai 15:13 | 12/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông thường, Tết Nguyên đán sẽ là dịp người dân tăng nhu cầu sử dụng thịt heo, dẫn tới việc giá sẽ tăng so với những tháng trước đó. Tuy nhiên, khi sức mua còn chưa có dấu hiệu phục hồi như hiện nay, triển vọng phục hồi cho ngành chăn nuôi dường như chưa rõ ràng.

Giá heo giảm, chi phí neo cao kéo lợi nhuận của nhóm chăn nuôi heo giảm sâu

Theo thống kê của phóng viên, trong số 8 doanh nghiệp mạnh về chăn nuôi heo, có đến 5 cái tên báo lãi giảm, 2 doanh nghiệp thua lỗ, và chỉ 1 doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng. Lợi nhuận đạt được trong 9 tháng còn cách rất xa kế hoạch năm.

 Lợi nhuận các doanh nghiệp chăn nuôi khá ảm đạm trong quý III. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Sau khi bật tăng lên mức 60.000 – 65.000 đồng/kg vào giữa tháng 7, giá heo hơi nhanh chóng quay đầu giảm và liên tục đi xuống cho đến nay. Cập nhật ngày 12/12, giá heo hơi ba miền khoảng 48.000 đồng/kg, giảm 21-27% so với đầu tháng 7 và giảm 8-10% so với cùng kỳ năm 2022.

 Giá heo hơi trên đà đi xuống tại cả 3 miền. Ảnh: VNIndex

Trên sàn chứng khoán, Dabaco là cái tên lao dốc lợi nhuận mạnh nhất quý III. Trong kỳ, đơn vị này chỉ có lãi sau thuế 12 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chỉ mới quý trước, doanh nghiệp báo lãi tới 327 tỷ.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Dabaco sụt giảm mạnh lợi nhuận bên cạnh việc chi phí thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá heo sụt giảm là việc đơn vị này không còn doanh thu từ bất động sản (đã ghi nhận hết doanh thu từ dự án Parkview trong quý II).

 

“Heo ăn chay” BAF cũng trải qua tình cảnh tương tự, kết thúc quý III với 40 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 75% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, 2 doanh nghiệp đều cho rằng kết quả này đã có sự khởi sắc. Dabaco nhận định kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân gây ra sự chênh lệch cũng nằm ở việc cùng kỳ có ghi nhận doanh thu kèm lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản.

Với BAF, dù lợi nhuận ròng giảm mạnh nhưng so với 2 quý liền trước, Doanh nghiệp đã cho thấy dấu hiệu phục hồi khi lãi ròng quý III gấp hơn 3 lần lãi bán niên năm nay (12 tỷ đồng). Đáng chú ý, quy mô đàn tăng mạnh do nhiều trang trại mới đưa vào vận hành. Tính đến cuối tháng 9, BAF ghi nhận tổng đàn 300.000 con, lượng heo thương phẩm đạt 720.000 con, tương ứng tăng 30% và 50% so với đầu năm.

Cùng chung bối cảnh kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sau thuế của Vissan trong quý III cũng giảm 19%, xuống còn 25 tỷ đồng. 

Trao đổi với phóng viên DNVN, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Vissan cho rằng rất khó để công ty có thể về đích như mục tiêu đã đặt ra.

Theo ông Phú, vấn đề lớn nhất với ngành chăn nuôi lúc này vẫn nằm ở sức cầu yếu, kéo theo hàng loạt hệ lụy và các chi phí phát sinh.

“Hàng hóa doanh nghiệp vẫn sản xuất đều như mọi năm nhưng tiêu thụ rất chậm. Có những thời điểm, công ty phải tung ra các chương trình khuyến mại 30-40%, điều chưa từng có trước đây để kích thích tiêu dùng”, ông Phú chia sẻ.

Mặt khác, khi tiêu thụ hàng hóa yếu ảnh hưởng doanh thu của hệ thống siêu thị, họ sẽ tăng phần trăm chiết khấu để bù đắp, điều này gây áp lực cho các nhà cung cấp như Vissan.

Không quá ảm đạm, HAGL của bầu Đức lãi ròng 325 tỷ đồng trong quý III, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số tiền lãi không tới hoạt động kinh doanh chính mà nhờ khoản lợi nhuận khác gần 127 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 5 tỷ đồng) từ thanh lý tài sản cố định. Theo nghị quyết công bố vào cuối tháng 9, số tiền này nhiều khả năng đến từ việc thanh lý, chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.

 

Có ưu thế trong mảng thịt mát, Masan MeatLife ghi nhận hơn 1.900 tỷ đồng doanh thu trong quý III, tăng tới 47%. Tuy nhiên, đơn vị này lỗ ròng 72 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 94 tỷ đồng).

Việc doanh thu gia tăng của MML do doanh thu của Masan Jinju sau khi đã nắm quyền kiểm soát từ cuối năm 2022 theo hợp đồng cho vay hoán đổi. Chính nhờ doanh thu cộng thêm này, MML mới giảm được lỗ trong kỳ.

Mảng nông nghiệp của HPG là trường hợp duy nhất báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý III. Mảng này đạt 156 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 57% so với cùng kỳ.

Đối với mảng nông nghiệp, Hòa Phát cho biết sẽ tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi và tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam.

Động lực tăng trưởng chưa rõ ràng

Thông thường, Tết Nguyên đán sẽ là dịp người dân tăng nhu cầu sử dụng thịt heo, dẫn tới việc giá sẽ tăng so với những tháng trước đó. Tuy nhiên, khi sức mua còn chưa có dấu hiệu phục hồi như hiện nay, triển vọng tăng giá dường như chưa rõ ràng. 

Thông tin với báo chí, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng đàn heo đạt gần 29 triệu con. Nếu không có dịch bệnh bất ngờ, Việt Nam hoàn toàn không lo lắng đến nguồn cung. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Ngoài ra, bệnh dịch trên gia súc cũng không còn nặng bởi trải qua nhiều năm, độc tố cũng đã giảm dần, không còn bùng mạnh như thời điểm mới xuất hiện.

“Với tình hình như hiện nay, tăng trưởng kinh tế chưa phải là động lực. Chúng tôi chưa tìm thấy động lực rõ ràng cho ngành chăn nuôi, chỉ hy vọng nhu cầu tiêu thụ, sức mua sẽ cải thiện hơn vào giai đoạn Tết Nguyên đán”, ông Chinh nói.

Theo phân tích của chứng khoán VCBS hồi cuối tháng 9, tuy giá heo hơi có xu hướng giảm trong tháng 8, giá heo giống vẫn tiếp tục tăng nhẹ bình quân khoảng 0,6% trong quý III. Tổng đàn đang có xu hướng sụt giảm, giá heo giống tiếp tục tăng cho thấy người chăn nuôi đang rục rịch tái đàn trở lại khi giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu ổn định hơn và kỳ vọng nhu cầu thịt heo sẽ hồi phục trở lại trong Tết Nguyên đán. Tuy vậy, do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt heo có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 1/2024.