Cơ hội mới cho hợp tác kinh tế Việt Nam và các nước G7
Tối 7/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tới thành phố Quebec, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8-10/6/2018 theo lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam được mời tham dự hội nghị G7 mở rộng và là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada trên cương vị Thủ tướng. Chuyến thăm tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Canada và thúc đẩy Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018 được tổ chức tại Charlevoix, Quebec, Canada với sự tham gia của bảy nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy) và Liên minh châu Âu.
Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, nước chủ nhà Canada tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng và nhiều cuộc họp với các tổ chức xã hội, khoa học, doanh nghiệp, thanh niên… để tham vấn về các vấn đề có liên quan trong chương trình nghị sự.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng sẽ được tổ chức vào ngày 9/6 với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Rwanda, Samoa, Senegal, Seychelles và một số các tổ chức quốc tế.
Cơ hội để G7 đầu tư trên lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Trước chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã có cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters (Anh).
Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia.
Một số mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo bao gồm: (i) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như đã tuyên bố cam kết tại COP21 Paris là giảm khoảng 5% vào năm 2020, và nếu được sự hỗ trợ quốc tế về nguồn lực sẽ giảm khoảng 25% vào năm 2030; (ii) Giảm sử dụng khoảng 40 triệu tấn than và 3,7 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2030; (iii) Tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030; (iv) Tăng tỷ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời từ khoảng 4,3% năm 2015 lên khoảng 12% vào năm 2020, khoảng 26% vào năm 2030; (v) Tăng sản lượng nhiên liệu sinh học đáp ứng khoảng 13% nhu cầu nhiên liệu của ngành giao thông vận tải vào năm 2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng: Để đạt mục tiêu nói trên, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi về đất đai, thuế, giá, bảo lãnh, khuyến khích hợp tác công-tư (PPP) nhằm thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Theo Quyết định của Chính phủ, dự án điện mặt trời: (i) được miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; (ii) được xem xét miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước; (iii) giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD…
Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh năng lượng tái tạo trên cơ sở hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tạo thuận lợi cho tất cả các đối tác và tin tưởng rằng với tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư của các nước G7 sẽ có nhiều cơ hội để trở thành những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam”.
Triển vọng đầu tư của Canada vào Việt Nam rất sáng
Cũng nhân dịp này, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam đã khẳng định về vai trò của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, cũng như triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Canada.
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1973 và đã trở thành những đối tác lâu bền. Năm nay, hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Khuôn khổ hợp tác đối tác toàn diện đã mở rộng hợp tác song phương giữa hai nước sang nhiều lĩnh vực, như thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển chính thức, khoa học và đổi mới, an ninh và quốc phòng, cũng như giao lưu nhân dân. Hợp tác trong các lĩnh vực này đang tiến triển rất tốt và là động lực to lớn cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
“Tôi có nhiều kỳ vọng về chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trong chuyến thăm, doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội gặp gỡ trực tiếp nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại và đầu tư”, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam chia sẻ.
Bà Ping Kitnikone cũng cho rằng: Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Đặc biệt, CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác.
Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều từ việc giảm thuế từ CPTPP, nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện tử, dệt may và giày dép.
CPTPP sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Canada giới thiệu nhiều sản phẩm chất lượng cao tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Canada hiện rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ.
“Tôi cho rằng, triển vọng dòng đầu tư của Canada vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất tốt, với những thuận lợi từ CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada đang được xúc tiến”, theo bà Ping Kitnikone.
Việt Nam đang có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều nước, trong đó có các nước G7, trong phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều nước trong G7 đang triển khai các dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Điển hình như: Nhà máy điện gió Mũi Dinh có tổng công suất 37,6 MW, với tổng vốn đầu tư 1.272 tỷ đồng do Công ty EAB của Đức làm chủ đầu tư; Nhà máy điện gió Tuy Phong (30 MW) với công nghệ của Đức, Nhà máy điện gió Phú Lạc (24 MW) với vốn và công nghệ của Đức và Đan Mạch.
Canada hiện có 168 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 5,12 tỷ USD. Với tiềm năng lớn về hợp tác thương mại - đầu tư, năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 5 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 4,1 tỷ USD.
Đến nay, Canada đã hỗ trợ Việt Nam hơn 800 triệu CAD (đô la Canada) vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Canada cũng đã công bố một số khoản hỗ trợ ODA khác cho Việt Nam triển khai các dự án phát triển hợp tác xã và an toàn thực phẩm.