Cơ hội nào cho sản phẩm tôn mạ Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU?

21:18 | 24/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngành thép Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để xuất khẩu những sản phẩm tôn mạ chất lượng sang những thị trường châu Âu qua hiệp đinh EVFTA.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, khả năng tiêu thụ đối với sản phẩm tôn mạ kẽm tại thị trường Việt Nam đến năm năm 2020 đạt 600 nghìn tấn và đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 720 nghìn tấn. Đối với sản phẩm tôn mạ màu năm 2020 đạt 950 nghìn tấn và đến năm 2025 sẽ đạt 1,1 triệu tấn.
 
 

Nhận định tình hình sản phẩm tôn mạ trong nước

 
Trước tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ tôn mạ trên, có thể thấy rằng nhu cầu tôn mạ tiêu dùng ở Việt Nam nói chung và tại thị trường miền Bắc sẽ rất lớn, sẽ là cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư khai thác, xây dựng các dự án sản xuất vật liệu tôn lợp trong tương lai. 
 
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyên gia tài chính từ công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng thị trường nội địa và dòng vốn FDI tiếp tục là động lực chính giúp nhu cầu tôn mạ không bị suy giảm trong năm 2020. Từ giữa năm 2018, thị trường bất động sản chững lại do sự siết chặt về quy định xây dựng, đặc biệt trong thị trường phía Nam khi các dự án chung cư hiện đang triển khai rất chậm.
 
Cơ hội nào cho sản phẩm tôn mạ Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU? - ảnh 1
 
Trong khi đó, nhu cầu xây dựng, đặc biệt là mảng xây dựng dân dụng và công nghiệp ở thị trường phía Bắc vẫn rất lớn. Mirae Asset cho biết thị trường tôn mạ Việt Nam đang có xu hướng tự chủ sản xuất nhiều hơn, đồng thời hạn chế sử dụng tôn nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Công ty chứng khoán này đánh giá đây là tín hiệu lạc quan khi hàng rào thuế quan đã có tác dụng.Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản lượng thép nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 sụt giảm về mức 5,5 triệu tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức thấp nhất giai đoạn từ 2016-2020.Trung Quốc đang giảm mạnh sản lượng xuất khẩu, đặc biệt từ năm 2017 quốc gia này đã chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên và cắt giảm lò BOF, do đó sản lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh.
 
Trong quý I/2020 sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu chỉ còn 6,48 triệu tấn, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.  Mirae Asset cho rằng nguyên nhân sự suy giảm do tác động của dịch COVID-19, hàng rào thuế quan các nước và mức thuế Mỹ áp lên sản phẩm thép từ Trung Quốc. “Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại khi cung thép nhiều hơn nhu cầu, đây lại là điểm tích cực áp lực cạnh tranh với ngành tôn mạ cũng đồng thời giảm xuống, tạo điều kiện cho kết quả kinh doanh hồi phục”, Mirae Asset nhận định.
 
Như vậy, ngành thép-tôn mạ của Việt Nam đang được đặt trong bối cảnh có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ sự thúc đẩy của dòng vốn FDI, nhu cầu nội địa và áp lực cạnh tranh suy giảm.Theo các chuyên gia, một lợi thế nữa cho sản phẩm tôn, thép của Việt Nam là giữa EU và nước ta có các mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Do đó, với những lợi thế mà EVFTA mang lại, cơ hội để ngành thép- tôn mạ Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu là rất lớn. 
 

Cơ hội cho sản phẩm tôn mạ sau hiệp định EVFTA

 
Theo tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 8/2020 các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội sản xuất ra 440.479 tấn tôn mạ, tăng 20,6% so với tháng 7/2020 và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Các doanh nghiệp này tiêu thụ được 364.252 tấn tôn mạ, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó, xuất khẩu đạt gần 179.000 tấn, tăng 81% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho tại thời điểm cuối tháng 8 là xấp xỉ 82.000 tấn.
 
Hoa Sen dẫn đầu hoạt động tiêu thụ trong tháng 8 với gần 130.000 tấn, theo sau là Tôn Đông Á (hơn 60.000 tấn), Thép Nam Kim (gần 53.000 tấn), Thép TVP (trên 37.000 tấn). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, sản xuất tôn mạ của các thành viên VSA đạt trên 2,75 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ 2019. Bán hàng đạt 2,49 triệu tấn, tăng 2,8%. Trong đó, xuất khẩu đạt 968.078 tấn, tăng 4,7%.Hoa Sen dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ với 785.822 tấn, chiếm 31,6% thị phần. Tiếp sau là Tôn Đông Á (15,8% thị phần), Thép Nam Kim (14,9%), Thép TVP (11,1%).
 
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, Hoa Sen đã hoàn tất xuất khẩu lô hàng 35.000 tấn tôn mạ đi châu Âu. Đến thời điểm hiện tại, đây là lô hàng tôn lớn nhất của Tập đoàn Hoa Sen và của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu - đánh dấu một mốc son trong hoạt động xuất khẩu tôn mạ của các DN Việt Nam trong việc chủ động khai thác các điều kiện thuận lợi từ EVFTA.
 
Tuy nhiên, để có thể đưa được hàng vào thị trường này, tập đoàn đã xây dựng chiến lược đầu tư dài hơi cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để nâng chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cấp hoạt động sản xuất cung ứng, để giao hàng nhanh, đúng hạn đối với khách hàng tại châu Âu. Cũng như Tập đoàn Hoa Sen, nhiều DN thép như Toàn Thắng, Công ty CP Tôn Đông Á, Thép Nam Kim… đang nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để đáp ứng được tiêu chuẩn ISO 9001.2015.
 
Đây là tiêu chuẩn cơ sở để mặt hàng thép Việt Nam xuất khẩu qua châu Âu bền vững.Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức không hề nhỏ. Trong những năm qua, ngành thép đã hứng chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ Mỹ và các nước ASEAN. Phải kể đến, tháng 12-2019, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế lên tới 456% với một số sản phẩm thép cụ thể từ Việt Nam, sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan.
 
Cơ hội nào cho sản phẩm tôn mạ Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU? - ảnh 2
 
Hay mới nhất, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) thông báo khởi xướng điều tra 2 vụ về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ từ Việt Nam. Nhìn chung, các vụ kiện này đã khiến ngành thép-tôn mạ tổn thất khá nhiều, bằng chứng là thị phần xuất khẩu của thép Việt tại các thị trường nói trên ngày một giảm.
 
Trong xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, DN phải tuyệt đối tuân thủ những quy định minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ kỹ thuật, đáp ứng đúng tiêu chuẩn của họ” ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ
 
Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó chủ tịch VSA, để đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ, hiệp hội thép đã có khuyến cáo đến các doanh nghiệp thành viên. Hội đã chủ động làm việc với Bộ Công thương, tham tán thương mại để nghiên cứu nhu cầu thị trường xuất khẩu nói chung và châu Âu nói riêng. Trong nước, các DN đã tăng cường đầu tư sản xuất nguyên liệu nhằm tận dụng tối đa thuế suất ưu đãi dành cho sản phẩm có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Với những nguyên liệu nhập khẩu, các DN đang tìm kiếm nguồn cung từ các nước đã ký FTA với EU hoặc thành viên của EVFTA.
 
Nguồn nguyên liệu này có giá thành cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ổn định cho DN thép.Châu Âu và châu Mỹ là những thị trường có nhu cầu rất lớn về mặt hàng tôn mạ nhưng đòi hỏi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn cao đối với người sử dụng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như thời gian giao hàng.
 
Chính vì vậy sự kiện xuất khẩu lô hàng 50.000 tấn tôn mạ vào châu Âu và châu Mỹ trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu đã chứng minh năng lực cạnh tranh vượt trội của Tập đoàn Hoa Sen.
 
Trong những năm qua, xuất khẩu là một kênh chủ lực đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn Hoa Sen. Đặc biệt trong ba tháng 3, 4, 5/2020 giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nhưng sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen vẫn tăng trưởng mạnh. Sản lượng xuất khẩu vào châu Âu và châu Mỹ tăng trưởng 127% so với cùng kỳ, riêng thị trường châu Âu tăng trưởng 318% so với cùng kỳ. 
 
Nguyễn Dung(t/h)