Cơ hội thúc đẩy hợp các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản

18:51 | 25/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -  Sáng 25/02, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức hội thảo “Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: Sau 45 năm đặt quan hệ ngoại giao, hiện nay Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Với tư cách là nhà tài trợ ODA, nhà đầu tư lớn thứ 2, đối tác hợp tác du lịch lớn thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 40 tỷ USD năm 2018), mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang tiến triển vô cùng tốt đẹp, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động của hai nước.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh, bao gồm nhiều mặt hàng như: dệt may, thiết bị phụ tùng, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ,… Ngược lại, Việt Nam cũng tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Nhật Bản với giá trị từ 1 tỷ USD trở lên như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, sắt thép các loại,…

Trong thời gian tới, trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước Việt Nam và Nhật Bản có triển vọng lớn trong việc hợp tác để tạo thành một vành đai sản xuất nông sản sạch, an toàn đồng thời xuất khẩu sang các nước thứ 3, bởi hai nước đều có thế mạnh và điều kiện để phát triển lĩnh vực này.

Cơ hội thúc đẩy hợp các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản - ảnh 1
 TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.
Cũng tại hội thảo, đánh giá về tiềm năng của Việt Nam, ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mekong cho rằng: Với quy mô dân số sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Thống kê cho thấy, hiện nay có khoảng 1900 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt 8,6 tỷ USD, 70% doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn tái đầu tư vào Việt Nam. Chỉ trong năm 2018, có khoảng 290.000 người Việt đang cư trú tại Nhật Bản, trong đó có tới 80.000 du học sinh, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Điều này kỳ vọng mở ra triển vọng hợp tác kinh tế - xã hội ngày càng phát triển giữa hai nước Việt Nam, Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Kobayashi Yoichi nhận định, hiện không chỉ Nhật Bản mà còn rất nhiều quốc gia chuyển dịch ngành sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam cả trong lĩnh vực công nghệ cao và các ngành nghề khác. Ông kỳ vọng làn sóng chuyển dịch này cũng sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Chủ tịch VCCI cho rằng sắp tới Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư của Nhật Bản cũng như là những nước khác về Việt Nam, trong đó bao gồm các tập đoàn xuyên quốc gia và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khối doanh nghiệp này là động cơ chính để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai bên. Tuy nhiên, trên thực tế, những đại công trình và liên doanh lắp ráp chủ yếu nhập phụ tùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là từ Trung Quốc nhưng giá trị gia tăng đạt được cho nền kinh tế Việt Nam là không cao.
Chính vì vậy, theo ông Lộc việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và kêu gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ của các nước tiên tiến vào Việt Nam để cùng với các doanh nghiệp nội địa phát triển công nghiệp hỗ trợ là cách để tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, Chủ tịch VCCI cũng đề xuất một số biện pháp để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu giữa hai nước: Một là, củng cố hơn nữa liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, điều này không chỉ có lợi cho năng lực sản xuất của Việt Nam mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xây dựng hình ảnh cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Hai là, hợp tác theo cơ chế đa phương để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư bằng cách tham gia tích cực vào các tổ chức thương mại thế giới như WTO và các Hiệp định thương mại tự do nhiều bên như CPTPP, RCEP... Ba là, thường xuyên duy trì đối thoại và thực chất về các vấn đề liên quan đến đầu tư cải cách môi trường kinh doanh, nhu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng như phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế...