Có mặt tại 160 thị trường, gạo Việt vẫn cần nâng cao sức cạnh tranh
Theo Bộ Công Thương, XK gạo của Việt Nam trong thời gian qua đạt kết quả tích cực cả về lượng và giá XK cũng như cơ cấu chủng loại xuất khẩu. XK gạo 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22%. Giá FOB bình quân XK ở mức 452,6 USD/tấn, tăng 0,8%, tương đương mức tăng 3,7 USD/tấn so với giá XK năm 2016. Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong năm 2018, tính đến 15/9, XK gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2017, trị giá đạt 2,38 tỷ USD. Giá FOB XK bình quân đạt khoảng 503,3 USD/ tấn, tăng 62,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu chủng loại gạo XK đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỉ trọng 2,07% tổng trọng lượng gạo XK, trong khi gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, thị trường XK gạo của Việt Nam đã tăng lên khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ La tinh, Trung Đông… Đáng lưu ý, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Phát biểu tại Hội nghị Gạo Quốc tế Việt Nam vào chiều 10/10, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua đạt kết quả rất tích cực, cả về lượng và giá xuất khẩu cũng như cơ cấu chủng loại xuất khẩu. Gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng với đó là sự đa dạng các sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ.
Xung quanh câu chuyện sản xuất, xuất khẩu gạo Việt, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hạt gạo Việt vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt, linh vực thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Mặt hàng gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về ATTP và về bảo vệ môi trường rất cao. Bên cạnh đó, sản phẩm gạo vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Do đó, cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hoá có chất lượng. Sản xuất theo quy trình sạnh, gạo hữu cơ, đa dạng hoá các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói. Đặc biệt, xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để nâng cao giá trị hạt gạo Việt, theo bà Nguyễn Thuý Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trước tiên phải nâng cao giá trị giống lúa, nâng cao chất lượng. Phát triển giống lúa theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, áp dụng KHKT vào sản xuất từ giống lúa, các tiêu chuẩn, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Áp dụng cơ giới đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hoá như cánh đồng lớn, hợp tác xã…
Mặc dù xuất khẩu gạo đã gặt hái được những thành công nhất định nhưng các rào cản đã bắt đầu xuất hiện, nhất là rào cản phi thuế quan, tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của mặt hàng này.
Lý giải vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay, các quốc gia nhập khẩu có nhiều giải pháp quản lý mặt hàng gạo. Chẳng hạn như Trung Quốc là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Điều đó đã hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Xu thế này cũng được các nước khác áp dụng khiến doanh nghiệp XK gạo của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn mới có thể đưa được hạt gạo Việt ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, điều này cũng là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phải cọ xát, nâng cao sức cạnh tranh so với doanh nghiệp các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar… Chỉ có thể cạnh tranh bình đẳng như vậy doanh nghiệp Việt Nam mới có được hoạt động XK mang tầm quốc tế khi không chỉ dựa vào số lượng hoặc gạo cấp thấp mà phải cạnh tranh bằng chất lượng và tính chuyên nghiệp, ôn Hải nhấn mạnh.