Cổ phiếu PVS 'đắt hàng', ngành Dầu khí có thể trở thành điểm sáng của thị trường trứng khoán
Cụ thể, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đã đăng ký mua 350.000 cp PVS từ ngày 21/02 đến ngày 22/03 nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Ngày 21/2, 2 quỹ gồm Delta Global Financial Holdings Private Limited và Kiwoom Vietnam Tomorrow Securities Master Fund lần lượt đăng ký mua 150.000 và 200.000 cp PVS.
Trước đó, ngày 13/2, VinaCapital và quỹ thành viên là Quỹ đầu tư Cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) cũng lần lượt đăng ký mua 500.000 và 1.000.000 cp PVS từ ngày 15/2 đến ngày 16/3.
Người có liên quan trong giao dịch của các quỹ này là ông Hoàng Xuân Quốc, Ủy viên HĐQT độc lập tại PVS đồng thời đang đảm nhiệm chức vụ giám đốc tại các quỹ thuộc VinaCapital. Ngoại trừ VESAF sở hữu 1.400.000 cp PVS trước khi đăng ký giao dịch, các quỹ khác và ông Quốc đều chưa sở hữu bất cứ cổ phiếu nào của PVS.
Gần đây, PVS được nhiều công ty chứng khoán cho vào danh mục ưa thích với kỳ vọng lợi nhuận của công ty đã bước qua vùng trũng và có nhiều tín hiệu hỗ trợ trong năm 2023. Chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự phóng giá mục tiêu của PVS là 28.300 đồng/cp. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây đã nâng khuyến nghị từ 'khả quan' lên 'mua' đối với cp PVS với giá mục tiêu 30.600 đồng/cp.
Kết phiên 23/2, thị giá cp PVS đạt 26.500 đồng/cp, hồi phục khoảng 15% kể từ vùng đáy ngày 7/2 (23.200 đồng/cp).
Ngành Dầu khí – “Điểm tựa tin cậy trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững”
Theo Báo cáo Chiến lược 2023 mới thực hiện của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), năm 2022, giá dầu đã chứng kiến nhiều biến động mạnh, giá dầu Brent lập đỉnh 14 năm và đã có thời điểm giao dịch ở mức gần 140 USD/thùng. Dòng chảy Dầu khí trên thế giới được tái định hướng do tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí đều ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức kỷ lục.
Nguồn cung dầu thô thế giới đã quay về gần mức trước dịch trong khi nhu cầu được dự báo sẽ giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2022 và 2023 không mấy tươi sáng do lạm phát và căng thẳng địa chính trị leo thang. Giá khí đốt tại các khu vực được dự báo giảm từ 23 - 27% trong những tháng tới so với trung bình năm 2022. Sự suy giảm trên của nhu cầu được bù đắp một phần bởi xu hướng chuyển dịch từ sử dụng khí sang dầu khiến cân bằng cung - cầu không mấy chênh lệch và động thái cắt giảm sản lượng từ từ của OPEC+. Thêm vào đó, nhu cầu dầu được kỳ vọng sẽ phục hồi khi Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, tái mở cửa nền kinh tế kể từ đầu tháng 1 năm nay. Các tổ chức dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2023 đạt khoảng 80 USD/thùng và được đánh giá là điểm cân bằng cho cán cân cung - cầu.
Đứng trước dự báo ngành dầu khí thế giới và khu vực trong năm 2023, cổ phiếu ngành dầu khí được đánh giá sẽ có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ từ năm 2023. Ở phân khúc Thượng nguồn (Upstream), việc giá dầu ổn định mức cao hơn điểm hoà vốn của các doanh nghiệp thăm dò và khai thác giúp cho dòng tiền quay trở lại phân khúc thượng nguồn và kỳ vọng tạo nguồn công việc ổn định cho các doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp dầu khí như PVS, PVD.