Cổ phiếu Vĩnh Hoàn, Nam Việt, IDI đồng loạt tăng sau một động thái của Trung Quốc
Mới đây, Cơ quan Hải quan Trung Quốc thông báo đình chỉ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm hải sản nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8. Thông báo chính thức của cơ quan Hải quan Trung Quốc nêu rõ: "Để ngăn chặn hoàn toàn các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân của nhà máy Fukushima ra biển, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã quyết định đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản từ ngày 24/8".
Động thái này liên quan đến việc Nhật Bản thông báo tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng một km ra biển từ 11h ngày 24/8 theo giờ Việt Nam. Đơn vị vận hành nhà máy là Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), thực hiện hoạt động này khi điều kiện biển và thời tiết không có biến động. Theo kế hoạch, TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ 24/8. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.
Trước đó, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết cơ quan này sẽ tăng cường giám sát mức độ phóng xạ ở các vùng biển của Trung Quốc và theo dõi mọi tác động từ việc xả thải của Nhật Bản. Hồi đầu tuần, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ thực hiện "các bước cần thiết" để đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường biển. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố việc xả nước sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và việc xả nước đã qua xử lý là tương đối phổ biến trong lĩnh vực hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi tháng 7 cho biết, bản đánh giá kéo dài hai năm cho thấy, các kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Ngay sau lệnh cấm của Trung Quốc, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuỷ sản như cá tra với các mã VHC, ANV, ACL, IDI đã tăng tốc ngay từ ATO đến 9h30, sau đó lan tỏa đến nhóm tôm như MPC, FMC. Kết phiên 25/8, ACL và IDI tăng trần, ANV tăng 4,8%, các mã VHC, FMC, CMX tăng 2-4%.
Không chỉ tăng giá, thanh khoản nhóm này cũng cực kỳ sôi động. Đơn cử, ACL khớp lệnh gần 853.000 đơn vị, gấp 3 lần bình quân phiên qua một tuần gần nhất. IDI cũng giao dịch gần 3,7 triệu đơn vị, cao hơn 15% bình quân phiên qua một tuần và cũng tập trung ở mức giá trần. Mã ANV cũng khớp lệnh 2,9 triệu đơn vị.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 779 triệu USD, giảm 17% so với tháng 7/2022. Mức giảm này đã thu hẹp dần so với 23% của tháng 6 và các tháng trước đó.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc cải thiện đáng kể, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, Đức, Hà Lan vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường thị trường này trong tháng 7 đạt 115 triệu USD, tăng 8% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 750 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng Trung Quốc hiện đang là thị trường được kỳ vọng nhất cho doanh nghiệp thủy sản khi nửa cuối năm 2023, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) có cơ hội phục hồi, kim ngạch năm 2023 dự kiến đạt 1,8 tỷ USD. Ở kịch bản 5 tháng cuối năm kinh tế ở các thị trường lớn phục hồi, doanh nghiệp có nội lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu ổn định và phẩm xuất khẩu có giá bán cạnh tranh, xuất khẩu thủy sản có thể thu về khoảng trên 9 tỷ USD.
Liên quan đến động thái cấm nhập khẩu thủy hải sản Nhật Bản, hồi tháng 7 qua, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 quận xung quanh nhà máy Fukushima trên 47 tỉnh Nhật Bản. Chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) tuần này cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ các tỉnh này, trong đó có 4 tỉnh không giáp biển.
Ngay sau động thái mới nhất của Trung Quốc hôm 24/8, Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc lập tức hủy lệnh cấm này. "Chúng tôi đã gửi kháng nghị tới Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao, yêu cầu Bắc Kinh lập tức hủy lệnh cấm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Trung Quốc cử chuyên gia thảo luận về tác động của việc xả nước thải đã qua xử lý ra đại dương dựa trên bằng chứng khoa học", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với phóng viên tại Tokyo ngày 24/8.