Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi lần đầu xuất hiện sau đảo chính, đối mặt thêm 2 tội danh

16:53 | 01/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cố vấn nhà nước Myanmar bị phế truất Aung San Suu Kyi lần đầu xuất hiện sau đảo chính qua video tại tòa án ở Naypyidaw hôm 1/3. Tại tòa bà phải đối mặt với hai tội danh mới.
Bà Suu Kyi không xuất hiện trước công chúng từ sau cuộc đảo chính và được cho là bị quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyidaw. Một nguồn tin trong đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hôm 26/2 cho biết bà Suu Kyi bị đưa khỏi nhà tới một địa điểm bí mật từ 6 ngày trước.
 
Khin Maung Zaw, luật sư của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, cho biết nữ lãnh đạo 75 tuổi trông có vẻ khỏe mạnh khi tham dự phiên tòa. Trước đó vị luật sư này cũng cho biết không thể trao đổi với thân chủ trước phiên tòa.
 
Trước đó, bà Suu Kyi đang đối mặt với các cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 theo Luật Quản lý Thiên tai khi tổ chức sự kiện vận động tranh cử năm ngoái. Cộng đồng quốc tế gọi những cáo buộc này là phù phiếm.
 
Vụ bà Aung San Suu Kyi hầu tòa sau đảo chính Myanmar
Người biểu tình cầm ảnh bà Suu Kyi xuống đường ở thủ đô Naypyitaw. Ảnh: Reuters

Trong phiên xét xử qua video, tòa bổ sung thêm hai cáo buộc đối với bà Suu Kyi là vi phạm luật truyền thông về công bố thông tin "gây sợ hãi, hoảng loạn" và "kích động bất ổn công cộng", theo một phần bộ luật hình sự thời thuộc địa.
 
Phiên tòa diễn ra khi cảnh sát ở thành phố Yangon sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình, một ngày sau vụ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc đảo chính. Được biết phiên tòa xét xử bà Suu Kyi tiếp theo diễn ra ngày 15/3.
 
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng ngày 1/2. Cùng ngày bà Suu Kyi là lãnh đạo của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị bắt cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự khác với lý do xảy ra gian lận trong bầu cử.
 
Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình trong một tháng qua để phản đối đảo chính. Trong cuộc biểu tình đẫm máu nhất xảy ra hôm 28/2, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết cảnh sát dùng đạn thật bắn chết ít nhất 18 người và khiến 30 người bị thương. Tuy nhiên, một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu tháng 11 cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong "ngày đẫm máu".
 
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 270 người bị bắt hôm 28/2, trong tổng số 1.132 người bị bắt, truy tố hoặc kết án từ sau đảo chính.
 
Đối mặt với mọi áp lực từ trong nước tới các trừng phạt quốc tế sau vụ đảo chính, quân đội Myanmar hiện vẫn im lặng.
 
 
Hà Ly