Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi lần thứ hai bị buộc tội nhận hối lộ
Một doanh nhân nổi tiếng thừa nhận đã hối lộ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nhiều lần trong năm 2019 và 2020 với tổng số tiền khoảng 550.000 USD. Đây là lần thứ hai bà bị buộc tội nhận hối lộ.
Đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV hôm 17/3 đưa tin nhà phát triển bất động sản Maung Weik thừa nhận đã hối lộ bà Suu Kyi. Maung Weik cho hay đã đưa tiền cho cho Suu Kyi bốn lần, từ 50.000 tới 250.000 USD trong các năm 2019 và 2020, khi bà còn là lãnh đạo trên thực tế của Myanmar trong vai trò Cố vấn Nhà nước.
"Theo lời khai của U Maung Weik, Aung Suu Kyi phạm tội hối lộ, ủy ban chống tham nhũng đang điều tra để đưa ra quyết định theo luật chống tham nhũng", MRTV đưa tin.
Bà đối mặt án tù lâu năm nếu bị kết tội. Luật sư của Suu Kyi tuần trước bác bỏ cáo buộc, nhưng chưa bình luận trước thông tin mà MRTV đưa ra.
Đây là lần thứ hai Cố vấn nhà nước Suu Kyi bị buộc tội nhận hối lộ. Tuần trước, quân đội Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi nhận hối lộ hơn 600.000 USD tiền mặt cùng 11,2 kg vàng và ủy ban chống tham nhũng đang điều tra.
Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi
Tổng thống Win Myint và một số bộ trưởng trong nội các cũng bị cáo buộc liên quan tham nhũng, đặc biệt ông Win Myint đã gây sức ép lên ủy ban bầu cử để ủy ban không mở điều tra.
Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, đang bị giam ở một địa điểm không được tiết lộ sau cuộc đảo chính hôm 1/2. Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã chiến thắng với cách biệt lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020. Bà bị quân đội bắt giữ với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Hôm 1/3, bà ra tòa vì bị cáo buộc sở hữu nhiều máy bộ đàm, vi phạm luật xuất nhập khẩu, vi phạm luật quản lý thiên tai khi tham gia cuộc vận động tranh cử hồi năm 2020, vi phạm quy định phòng dịch COVID-19.
Một phiên tòa khác xét xử bà Suu Kyi dự kiến diễn ra vào ngày 15/3 nhưng bị hoãn lại tới cuối tháng. Theo Reuters, Cố vấn nhà nước Myanmar đối mặt án tù và bị cấm tham gia vào các hoạt động chính trị nếu bị kết tội.
Làn sóng biểu tình trong nước dấy lên sau vụ đảo chính, khi người dân Myanmar ở khắp các thành phố lớn nhỏ liên tục xuống đường yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử, bất chấp quân đội trấn áp. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 180 biểu tình đã thiệt mạng khi đụng độ với lực lượng an ninh.
Hà Ly