Con cưng - Kidsplaza - Bibomart tạo thế `chân vạc` trong thị trường mẹ và bé Việt Nam

15:40 | 11/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trái ngược với thị trường khác chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp ngoại hoặc nhập khẩu thì thị phần mẹ và bé Việt Nam lại nằm trong tay doanh nghiệp nội.
Thống kê cho thấy, ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 1,56 triệu trẻ em chào đời, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc mẹ và bé tăng cao. Thêm vào đó, với thu nhập được cải thiện và nhu cầu cao hơn, các sản phẩm dành cho mẹ và bé đã dần trở thành những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống của người tiêu dùng.
 
Đây là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ, trẻ em. Với qui mô thị trường ước đạt 7 tỉ USD, tăng trưởng 30% - 40% một năm, các doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường mẹ và bé tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và từng bước chiếm lĩnh thị trường.
 

Miếng bánh tỷ đô

 

Việt Nam là quốc gia đạt tỉ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Với đặc điểm này, Việt Nam hiện là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ, trẻ em. Các báo cáo thị trường cho biết doanh thu của dòng sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam từng được dự báo có thể đạt quy mô 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 30-40%.
 
Con cưng - Kidsplaza - Bibomart tạo thế `chân vạc` trong thị trường mẹ và bé Việt Nam - ảnh 1
 Với dân số trẻ thị trường mẹ và bé Việt Nam đang là thị trường đầy nóng hổi
 
Đây có lẽ là lý do để vài năm gần đây, ngành hàng mẹ và bé trở nên sôi động, thu hút sự chú ý của doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, xu hướng của người tiêu dùng đã dịch chuyển từ mô hình truyền thống, mô hình siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt. Điển hình là sự tấn công và vươn lên mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi như Bibo Mart, Kids Plaza, Con Cưng, Shoptretho, TutiCare... Trong đó Con Cưng đang dẫn đầu về độ phủ, với 286 siêu thị, Bibo Mart với 139 cửa hàng, Kids Plaza với 68 cửa hàng, Shoptretho với 37 cửa hàng, TutiCare với 28 cửa hàng...
 

Thế "chân vạc" trong thị trường mẹ và bé Việt Nam

 

Trong khi các chuỗi bán lẻ đồ tiêu dùng của Việt Nam đang ngày càng khó khăn, dường như ngành hàng mẹ và bé vẫn còn là những chiếc bánh ngon mới ra lò. Những tên tuổi trong ngành này chưa nhiều, chỉ loáng thoáng vài cái tên lớn như Kids Plaza, Bibo Mart, Con cưng…. 

Mặc dù bước chân vào thị trường mẹ và bé từ những năm 2006, sớm hơn so với Con Cưng 5 năm, nhưng Bibo Mart đã có một giai đoạn hụt hơi và để đối thủ vươn lên dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ dự địa thị trường lớn Bibo Mart đã dần lấy lại được cảm hứng tăng trưởng.

Cụ thể, năm 2017 doanh thu chuỗi cửa hàng Bibo Mart đạt 1.717 tỉ đồng, tăng 59% so với năm trước đó. Năm 2019, chuỗi cửa hàng này đạt gần 1.524 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế ước đạt 32 tỉ đồng, bám sát đối thủ.

Mặt khác dù sinh sau đẻ muộn nhưng cả Con Cưng và Kidsplaza đạt được những tăng trưởng vượt trội.

Cuối năm 2019, Con Cưng ghi nhận doanh thu đạt gần 2.500 tỉ đồng, tăng gần 60% so với cùng kì. Không lạ khi biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp những năm gần đây luôn xấp xỉ 30%, cao nhất trong ngành.

Tương tự, hệ thống Kids Plaza cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhanh về doanh thu, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử năm 2016 Kids Plaza đạt 390 tỉ đồng doanh thu thì cuối năm 2019 con số này đã lên 939 tỉ đồng, tức tăng 1,4 lần chỉ sau 3 năm.

Với hệ thống cửa hàng phủ sóng rộng trong một thị trường nhiều dư địa để phát triển, đã mang về doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho những doanh nghiệp đầu ngành như Kids Plaza hay Con Cưng.

Tại Hà Nội, trong khi Kids Plaza có 39 cửa hàng, trải đều từ nội thành đến ngoại thành thì bám sát theo là 36 cửa hàng của Bibo Mart. Tại TP.HCM, 2 đơn vị này cũng đổ bộ mạnh mẽ với các điểm bán bám sát nhau lần lượt là 18 và 34 với diện tích mặt bằng rộng, thoáng và view đẹp.

Theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tại các thị trường phát triển, nơi mà tỉ lệ sinh thấp và các loại sản phẩm chăm sóc em bé đang bão hòa, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, trong khi ở các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất. 
 
Con cưng - Kidsplaza - Bibomart tạo thế `chân vạc` trong thị trường mẹ và bé Việt Nam - ảnh 2
 
Lợi nhuận chuỗi của hàng trên thị trường mẹ và bé tăng trưởng đều qua các năm
(Nguồn: Vietnambiz)
 
Trên thực tế, miếng bánh ngành hàng mẹ và bé ở Việt Nam tuy ngon nhưng có rất nhiều rào cản. Bằng chứng là nhiều tên tuổi, từng tạo được tiếng tăm trong ngành này đã lặng lẽ rút lui khỏi thị trường. Đó là Kids World, Deca, Beyeu, Babysol… Sự ra đi của các thương hiệu đình đám một thời cho thấy, đây là một ngành cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi độ ứng biến cao.
 
Con Cưng, do sinh sau đẻ muộn so với Bibo Mart, Kids Plaza, đã tìm hướng đi khác và đã vượt lên 2 tên tuổi này. Con Cưng hướng ưu tiên vào thị trường TP.HCM và miền Nam. Hệ thống Con Cưng tới nay đã chiếm lĩnh các thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vũng Tàu, An Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Tháp...
 
Bibo Mart cũng theo đuổi chiến lược mở rộng về quy mô toàn quốc. Cuối năm 2019, chuỗi này đặt mục tiêu độ phủ thị trường lên tới 500 cửa hàng. Bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart từng phát biểu: "Doanh nghiệp trong ngành này phải chịu đi và chịu chi".
 
Công ty của bà Phương còn mạnh tay chi tiền để chiêu mộ nhân sự ở các tập đoàn lớn nước ngoài và đầu tư hàng triệu USD cho công nghệ, triển khai hệ thống ERP, kho hàng, mảng trực tuyến, CRM.
 
Ngược hẳn 2 đối thủ lớn, Kids Plaza lựa chọn phương pháp chinh phục thị trường bằng các dịch vụ marketing, chăm sóc sau mua như: đưa đầu số hotline miễn phí đi vào hoạt động, giao hàng thần tốc trong vòng 2 giờ đồng hồ, cho phép đổi trả hàng trong vòng 45 ngày, hoàn tiền ngay trong 5 phút...
 

 
Con cưng - Kidsplaza - Bibomart tạo thế `chân vạc` trong thị trường mẹ và bé Việt Nam - ảnh 3
 
Doanh thu của chuỗi cửa hàng mẹ và bé đều tăng trưởng vượt bậc (Nguồn: vietnambiz)
 
Chính vì cuộc chơi cần tới lượng vốn lớn, và miếng "bánh" thị phần còn hết sức mới mẻ, cả 3 doanh nghiệp đều được các quỹ đầu tư để ý hậu thuẫn.
 
Hiện cổ đông lớn nhất của Con Cưng gồm hai tổ chức: Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (Daiwa-SSIAM II) do SSIAM (một đơn vị thuộc SSI) đồng quản lí với Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities - Nhật Bản). Nhóm này đổ tiền vào Con Cưng từ rất sớm, cuối năm 2016 và sở hữu gần 40% cổ phần, 35% cổ phần thuộc về Ban giám đốc, còn lại là các nhà đầu tư khác.
 
Tương tự, năm 2019, Bibo Mart cũng bắt tay với ACA Investments (thuộc tập đoàn Nhật Sumitomo) để nhận từ quỹ đầu tư này những hợp tác hỗ trợ về tài chính, nhân lực. Dù không công bố số vốn đầu tư, nhưng hiện tại ACA investments đang nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart.
 
Tháng 2 năm nay, Kids Plaza đã nhận vốn rót từ Vietnam Investments Group (VI Group). Sau thương vụ thành công, VI Group đã trở thành cổ đông thiểu số của Kids Plaza, tuy nhiên con số rót vốn cụ thể chưa được tiết lộ.

 

Miếng bánh không dễ ăn

 
Tiềm năng thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng cao, cho thấy sức hấp dẫn của ngành, tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng đạt con số 7 tỷ USD là không hề dễ dàng. 
 
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường mẹ và bé trong những năm gần đây có lẽ là nguyên nhân lý giải sức hấp dẫn của thị trường này trước các nhà đầu tư ngoại.
 
Vài năm trở lại đây, nhiều nhãn hàng nổi tiếng quốc tế đã thâm nhập thị trường Việt Nam để cùng nhau hưởng miếng bánh này. Đó là những thương hiệu như thực phẩm Morinaga, Meiji... Nổi bật trên thị trường là chuỗi siêu thị của Nhật mang tên Soc&Brothers khi đã mở tới cơ sở thứ 4 tập trung hầu hết tại các TTTM lớn ở Việt Nam. Gần nhất phải kể tới Asahi Group Food (thuộc Tập đoàn Asahi, sở hữu thương hiệu Wakodo nổi tiếng) chính thức gia nhập thị trường vào đầu năm 2019 thông qua liên doanh với NutiFood.

Thế nhưng thị trường cũng từng chứng kiến không hiếm ông lớn tiềm lực tài chính đầu tư rồi nhanh chóng rút lui. 

Năm 2014, Kids World của Vingroup ra đời với quy mô diện tích lên tới 5.000 m2. Với tham vọng trở thành thiên đường mua sắm và dịch vụ cho trẻ em từ 1-14 tuổi, thương hiệu này vận hành theo mô hình khu phức hợp từ khu nhà kẹo, đồ chơi, thời trang hàng hiệu, cửa hàng sách, nội thất, sữa, khu quà tặng cho tới tư vấn dinh dưỡng. Tuy nhiên 1 năm sau, Kids World lặng lẽ rời bỏ thị trường tỷ đô này. Ngoài Kids World, một số tên tuổi lớn về thị trường mẹ và bé trực tuyến như Deca, Beyeu cũng dừng hoạt động vào năm 2015.

Con cưng - Kidsplaza - Bibomart tạo thế `chân vạc` trong thị trường mẹ và bé Việt Nam - ảnh 4

Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza, nhận định: "Việc các thương hiệu lớn vào Việt Nam chứng minh doanh số của thị trường mẹ và bé đã đủ lớn để doanh nghiệp phải có mặt "chăm sóc". Từ việc xuất hiện chỉ qua con đường "xách tay" đến nay đã "đường đường chính chính", chứng tỏ sức tiêu thụ đang lớn dần". Đáng tiếc, trong thị trường này, dường như, sân chơi chỉ dành cho người đến từ muôn hướng.

 

Cuộc chơi "ảo"- thay đổi để tồn tại

 

Trong quá trình hội nhập trên thị trường, áp lực cạnh tranh trên thị trường gia tăng dần, khi mà tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh truyền thống trở nên bão hòa, dần thay thế bằng hoạt động mua bán online và các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Adayroi, Lazada, Shopee nổi lên cũng là đối thủ đáng gờm trong ngành hàng mẹ và bé. Các gian hàng mẹ và bé trên các sàn thương mại điện tử đang thu hút sự quan tâm đông đảo của nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi hiện đại, tìm mua và tiếp cập lượng sản phẩm đa dạng, chính sách giao hàng thuận tiện và đôi khi tiết kiệm được một phần chi phí trong những đợt ưu đãi giá tốt.

Con cưng - Kidsplaza - Bibomart tạo thế `chân vạc` trong thị trường mẹ và bé Việt Nam - ảnh 5
Sản phẩm mẹ và bé nằm trong top 4 các dòng sản phẩm được quan tâm trên sàn thương mại điện tử
 
Rõ ràng, trong bối cảnh mới khi thương mại điện tử đang dần tỏ ra ưu thế hơn so với các phương thức bán hàng trực tuyến và các tập đoàn lớn nước ngoài bắt đầu nhòm ngó thị trường trong nước, cuộc chiến trong ngành hàng mẹ và bé tại Việt Nam có thể nói chưa thể ngã ngũ trong một sớm một chiều.
 
Chuyển động mới nhất trong thị trường mẹ và bé tại Việt Nam là trong tháng 8 vừa qua, Con Cưng đã bắt tay với doanh nghiệp sữa hàng đầu Vinamilk với tham vọng hiện thực hóa mục tiêu doanh thu một tỉ USD vào năm 2023 - gấp 5 lần con số hiện tại. Với hợp tác chiến lược này, Con Cưng sẽ trở thành nhà phân phối cho nhiều dòng sản phẩm sữa của Vinamilk. Các lon sữa sẽ đi thẳng từ nhà máy sản xuất đến tận nhà của khách hàng, tinh giản rất nhiều chi phí trung gian. 

Để tìm kiếm tăng trưởng và quảng bá thương hiệu, một tay chơi mới trong thị trường mẹ và bé là Kids Plaza vào cuối tháng 10 vừa qua cũng đã mạnh tay chi tiền cho hoạt động marketing khi tổ chức sự kiện "2.000 mẹ bầu cùng tập yoga trực tuyến". Sự kiện nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía khách hàng khi Google Trends chỉ ra rằng có hàng chục nghìn người tìm kiếm thông tin về sự kiện này trong hài ngày 26/10 và 27/10.
 
Có thể thấy, với chiến lược cộng sinh với các ông lớn, xây dựng thương hiệu tốt, bắt nhanh xu hướng, có mô hình đúng,... các doanh nghiệp nội đang kinh doanh trong ngành hàng mẹ và bé vẫn đang mạnh mẽ tiến về phía trước và làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà.

Nguyễn Dung