Còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến các dự án đang vận hành theo phương thức PPP

20:25 | 08/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Phương thức đối tác công tư mở ra cơ hội và điều kiện để huy động nguồn vốn vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại những rào cản ảnh hưởng đến các dự án đang vận hành.

Nhìn nhận về hiệu quả của phương thức đối tác công-tư (PPP), ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho rằng: Thời gian qua, phương thức PPP ở nước ta được áp dụng nhiều nhất trong lĩnh vực GTVT thông qua hình thức hợp đồng dự án: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT: Build - Operate - Transfer), mà ở đó, nhà đầu tư tư nhân đứng ra xây dựng và vận hành công trình, sau một thời gian nhất định nhà đầu tư tư nhân chuyển giao toàn bộ cho nhà nước.

Tác động tích cực nhất của phương thức đối tác công tư này là mở ra cơ hội, điều kiện để huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân trong việc góp trách nhiệm cùng với Nhà nước khai thác và xây dựng các công trình, hạng mục, dự án công cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến các dự án đang vận hành theo phương thức PPP - ảnh 1
  Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trần Chủng cho biết, vào tháng 8/2019, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chủ trì và phối hợp cùng đại diện của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Sở GTVT tại các địa phương tổ chức chương trình khảo sát 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trải dọc đất nước từ Cần Thơ tới Quảng Ninh trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP.
Thông qua khảo sát, Hiệp hội nhận thấy có nhiều cản trở, vướng mắc với các nhà đầu tư PPP từ thể chế tới cơ chế phối hợp của địa phương có dự án PPP đi qua. Cụ thể, vướng mắc đầu tiên được nhà đầu tư nhắc đến là thể chế. Đây là băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư PPP, cụ thể là nguyên tắc quản lý chi phí, quản lý vốn. Bởi trước đây quy định quản lý PPP theo phương thức dự án đầu tư công. Hiện nay, đã có những quy định quản lý khác, nhưng dự án PPP vẫn không khác gì đầu tư công về giá định mức, như vậy là rất khó.
Ví dụ doanh nghiệp làm dự án đường miền Trung giá thành sẽ cao hơn do địa hình đá cứng hơn so với các địa phương khác. Tới lúc chi phí đội lên, doanh nghiệp lại phải trình xin bổ sung, tăng chi phí. Vì vậy, ông Chủng cho rằng: Dự thảo luật mới cần rành mạch hơn trong quản lý vốn, nên chia tách vốn đầu tư công và tư để quản lý. Thứ hai là vướng về quản lý dự án đầu tư.
Hiện nay các dự án PPP bị tham chiếu bởi nhiều luật khác nhau. Dù Dự thảo luật PPP có nói trong trường hợp nhiều luật cùng quy định về một vấn đề liên quan tới PPP sẽ ưu tiên áp dụng theo Luật PPP thì cũng không khả thi. Bởi các luật liên quan như Luật Xây dựng có nhiều quy định liên quan tới dự án PPP, còn tiền kiểm hậu kiểm, nên gần như các dự án không thể vượt quy định của Luật Xây dựng.
Khó khăn tiếp theo là cản trở về vốn với các dự án PPP. Hiện nay cơ cấu vốn của các dự án PPP thông thương là 20% vốn chủ sở hữu, 80% còn lại là vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng tuyên bố đã cạn trần cho vay. Như vậy, vốn đầu tư PPP ở đâu ra?
Ngoài vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng thì huy động vốn ở đâu? Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu. Tuy nhiên, phương án này rất khó thực hiện khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn non trẻ. Vì thế cần có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp PPP, như vậy mới khả thi.
Tiếp theo là vướng mắc về hoạt động đấu thầu. Trước đây Luật Đấu thầu chỉ có quy định về đấu thầu các dự án nhà nước. Nhưng nay với PPP là đấu thầu chủ đầu tư, vì vậy nên cân nhắc lại nên lựa chọn nhà đầu tư như thế nào. Có những quy định gây vướng mắc như lựa chọn nhà đầu tư đã có kinh nghiệm đầu tư. Như vậy thì rất khó và chúng ta cũng sẽ không có hầm đường bộ Đèo Cả như hiện nay.
Còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến các dự án đang vận hành theo phương thức PPP - ảnh 2
 Còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến các dự án đang vận hành theo phương thức PPP.
Cản trở cuối cùng với các nhà đầu tư theo ông Chủng chính là đến từ chính quyền địa phương. Với hình thức PPP, doanh nghiệp với nhà nước đáng ra phải bình đẳng với nhau trong đầu tư và quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay các chủ đầu tư dự án vẫn phải phàn nàn rằng không được đối xử bình đẳng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đáng ra cơ quan quản lý cần có cơ chế cùng phối hợp nhưng doanh nghiệp vẫn phải đi theo cơ chế xin cho, nhà đầu tư phải xin phép chính quyền làm cái này có được không trong dự án PPP?
Do đó, ông đánh giá chính quyền địa phương phải có trách nhiệm hơn với các dự án BOT. Đặc biệt với những trường hợp cố tình gây rối tại các trạm thu phí. Nếu không làm được như vậy nhà đầu tư BOT sẽ rất “cô đơn”.
Bình luận thêm về Dự thảo luật PPP, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, vẫn còn một vài điểm bất cập trong dự luật PPP. Thứ nhất, quyền tiếp nhận dự án của ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nếu quy định theo dự luật là rất hà khắc cho các nhà đầu tư. Dự luật nên quy định rõ, ở mức nghiêm trọng tới đâu thì tổ chức tín dụng tiếp nhận lại dự án và phải quy định rõ trách nhiệm các bên tiếp nhận lại dự án.
Hai là, nên làm rõ về điều khoản chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo PPP, bởi điều này mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Chứng khoán. Thực tế, Tập đoàn Đèo Cả việc phải xử lý những nhà đầu tư yếu kém đồng hành cùng khi họ không có năng lực là rất khó, và việc này cũng mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp (cho phép nhà đầu tư hay cổ đồng chuyển nhượng vốn góp vào bất kỳ thời điểm nào).
“Ba là, vốn hỗ trợ công trình hệ thống cơ sở hạ tầng, tôi đề nghị cơ quan soạn soạn thảo dự luật tách hẳn ra thành một dự án khác, không nên để chung vào luật PPP nữa”, ông Trần Văn Thế nói.