Còn nhiều rào cản chính sách trong tích tụ thị trường đất nông nghiệp

18:29 | 24/10/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo diễn đàn nông nghiệp mùa thu 2019 – Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phối hợp với Oxfam tổ chức ngày 24/10.

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ ra, đóng góp của đất đai cho tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam có xu hướng giảm. Số lượng doanh nghiệp (DN) nông nghiệp tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số DN cả nước. Đặc biệt trong đó, có trên 90% là DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ với từ 10-50 lao động. Doanh thu bình quân của các DN nông nghiệp chỉ đạt 3,6 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ nông nghiệp hiện còn thấp, bình quân chung cả nước hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp.

Còn nhiều rào cản chính sách trong tích tụ thị trường đất nông nghiệp - ảnh 1
 Còn nhiều rào cản chính sách trong tích tụ thị trường đất nông nghiệp.
Còn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành, Đại diện cơ quan điều phối Liên minh Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chủ đề về chính sách đất đai, nhất là trong nông nghiệp rất quan trọng bởi liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, tới quyền lợi và vấn đề phân phối cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn chưa giải quyết được triệt để.
Do đó, theo ông Thành, đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Đồng quan điểm, TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng, dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa. Tuy nhiên, thu nhập từ canh tác trên đất nông nghiệp ngày càng thấp khiến nhiều nông dân không thiết tha với ruộng đất.
Trong khi đó theo nhiều nghiên cứu khác nhau, những hộ có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa tối thiểu từ 2,5-3 ha thì thu nhập mới đủ sống, diện tích đất nông nghiệp có canh tác lúa dưới 2,5 ha thì cuộc sống hầu như bấp bênh và chắc chắn người dân không thể dựa vào cây lúa để có cuộc sống ổn định.
Còn nhiều rào cản chính sách trong tích tụ thị trường đất nông nghiệp - ảnh 2
 TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Chất lượng đất ngày càng giảm dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp khiến ngày càng nhiều người dân bỏ hoang đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù ngày càng tăng nhưng vẫn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, chủ yếu vẫn là DN nhỏ và vừa có quy mô vốn nhỏ cho nên tính lan tỏa không cao.
Trong khi đó, DN còn gặp nhiều rào cản chính sách trong tích tụ thị trường đất trong nông nghiệp, đó là hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (không quá 10 lần hạn mức giao); mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác (2% thuế thu nhập cá nhân); DN tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp, mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo như các loại đất khác (do chưa có sở hữu).
Đặc biệt, hiện chưa có quy định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt giữa các loại đất trong nội bộ ngành nông nghiệp; chưa có quy định cụ thể về hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nhóm đất nông nghiệp sang đất cho chăn nuôi…
Để dần tháo bỏ những rào cản này, ông Thắng đề xuất, bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa.
Khuyến khích DN đầu tư và các khu, cụm, công viên, trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã; xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân…