Công bố Chương trình hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương 2019
Chương trình “Hành động vì an toàn thực phẩm” ngành Công Thương trong các năm 2017, 2018 đã khơi bùng lên Chiến dịch thu thập chữ ký, với kết quả có gần 1,2 triệu chữ ký của các thành phần trên khắp cả nước cam kết hành động vì an toàn thực phẩm. Tiếp nối những thành công đó, năm 2019, Chương trình “Hành động vì an toàn thực phẩm” ngành Công Thương" được triển khai với 2 thông điệp: “Tôi hành động vì an toàn thực phẩm” và “Xây dựng cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm”.
Được triển khai trên quy mô toàn quốc, Chương trình có sự phối hợp và tham gia của các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể Trung ương, gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tạo nên một mặt trận thống nhất, truyền đi thông điệp rộng khắp, có sức lôi cuốn đến từng địa bàn khu dân cư trên 63 tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, Chương trình thu hút sự tham gia hưởng ứng của 150.000 đoàn viên Công đoàn Công Thương, 1.000 sinh viên các Trường Đại học trên địa bàn Hà Nội làm tình nguyện viên; cùng đội ngũ hàng ngàn tình nguyện viên, tuyên truyền viên tại các tỉnh, thành phố đã dán hàng triệu sticker, poster “Tôi hành động vì an toàn thực phẩm” tới các cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, chợ truyền thống, hộ kinh doanh buôn bán nhỏ và người tiêu dùng.
Bên cạnh việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về quản lý An toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực chịu trách nhiệm, Bộ Công Thương tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm.
Đó là tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm....
Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.
Cùng với đó là phối hợp với các bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Qua đó, với sự hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, cùng với công tác đấu tranh phòng chống, và tăng cường tuyên truyền của các lực lượng chức năng, ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao, nhiều sản phẩm uy tín trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định công tác quản lý an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, và tập trung vào các nhiệm vụ:
Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức cộng động sẵn sàng hành động vì an toàn thực phẩm; thuyết phục nhân dân cam kết không tiếp tay cho hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.