Công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản-thực phẩm thu hút sự quan tâm của DN Pháp

14:38 | 09/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cơ hội mở cửa từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, cơ sở hạ tầng và thương mại điện tử.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Hiệp định EVFTA - cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp?” tổ chức chiều 8/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hàng chục năm qua, Pháp luôn là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Âu (đứng thứ 3 về xuất nhập khẩu và thứ 2 về đầu tư) và vẫn sẽ là luôn là một thị trường có tiềm năng và dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.

Công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản-thực phẩm thu hút sự quan tâm của DN Pháp - ảnh 1
 Hội thảo trực tuyến “Hiệp định EVFTA - cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp?”.
Trên thực tế, chỉ tính riêng 10 năm lại đây, theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5/2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.
Những con số thống kê như trên cho thấy, Pháp luôn là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Âu (đứng thứ 3 về xuất nhập khẩu và thứ 2 về đầu tư) và vẫn sẽ là luôn là một thị trường có tiềm năng và dư địa phát triển lớn trong thời gian tới. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong những ngành truyền thống vốn là thế mạnh của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp...
Chia sẻ về những lĩnh vực tiềm năng phát triển, hứa hẹn dành cho doanh nghiệp Pháp đầu tư, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết: Lĩnh vực đầu tiên là công nghiệp và công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm. Theo bà Hiền, Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu về cà phê, hạt điều, hạt tiêu… tuy nhiên chủ yếu là sản phẩm thô. Vì vậy, hiện Việt Nam đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản.
Đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang chú trọng đầu tư phát triển để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030.
Công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản-thực phẩm thu hút sự quan tâm của DN Pháp - ảnh 2
 Công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản-thực phẩm thu hút sự quan tâm của DN Pháp.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn dành cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn doanh nghiệp Pháp có thể tham gia đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam theo hướng công nghệ cao.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện tổng số giao dịch điện tử tại thị trường Việt Nam tăng từ 6 tỉ USD đến hơn 8 tỉ USD giai đoạn 2015- 2018. Quy mô thị trường thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo sẽ tăng gấp đôi cho đến hết 2020. Đây là lĩnh vực đầy tiềm năng mà doanh nghiệp Pháp có thể kết hợp để rót vốn phát triển.
Ngoài ra, trong hiệp định EVFTA, Việt Nam hiện cũng đã cam kết phát triển và mở cửa thị trường viễn thông cho các đối tác nước ngoài, thị trường dịch vụ di động cũng rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Pháp có thể tham gia đầu tư.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Pháp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.
Theo đó, xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác, thách thức cũng sẽ song hành, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.