Công ty chuyên phát hành trò chơi điện tử đặt kế hoạch lợi nhuân âm 619 tỷ đồng trong năm 2021

06:09 | 07/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù đứng đằng sau chịu trách nhiệm phát hành nhiều trò chơi được thế hệ trẻ Việt Nam phát cuồng như PUBG Mobile hay Liên minh huyền thoại Tốc chiến... nhưng vì đâu mà VNG lại đặt kế hoạch lỗ?

Công ty cổ phần VNG đã công bố tài liệu chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, đại hội dự kiến diễn ra chiều ngày 22/7 tại TP HCM. 

Đáng chú ý, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ 4 tỷ đồng, công ty dự kiến lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng năm 2021. Điều này trái ngược so với năm 2020, khi doanh nghiệp này có lãi của cổ đông công ty mẹ là 457 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 190,6 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc này bắt nguồn từ năm ngoái khi công ty cũng đặt kế hoạch lỗ 246 tỷ đồng và lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ theo kế hoạch là 299 tỷ đồng. Lý do là bởi công ty đang dồn vốn vào các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay. Hiện VNG đang là chủ sở hữu 60% cổ phần của CTCP Zion - công ty sở hữu ZaloPay.

Báo cáo thường niên của doanh nghiệp cho biết, Zion chính là bộ phận ghi nhận lỗ nhiều nhất trong những doanh nghiệp mà VNG đang đầu tư (666 tỷ đồng). 

Công ty chuyên phát hành trò chơi điện tử đặt kế hoạch lợi nhuân âm 619 tỷ đồng trong năm 2021 - ảnh 1

Giống như nhiều đối thủ khác, ZaloPay và VNG phải chấp nhận "đốt tiền" đổi lấy thị phần

Do đó, nhiều khả năng việc đặt kế hoạch lỗ sau thuế của VNG là dự toán cả phần của công ty con Zion trong trường hợp có thể tạo ra lợi nhuận âm nhiều hơn khi đầu tư. 

Theo VNG, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ZaloPay trong năm 2020 đã tăng hơn 4 lần so với năm 2019. Chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm, số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng đã tăng 10 lần. 

Năm vừa rồi, ZaloPay cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với nhiều đối tác như Lazada, Baemin, Tiki, Sendo, Circle K, Big C ở nhiều mảng khác nhau (thương mại điện tử, mua sắm, sức khoẻ, làm đẹp…). Ví điện tử này cũng tìm ra nhiều nguồn hợp tác mới, trong đó nổi bật có Google Play, GS 25, Sendo, Be.

Kế hoạch năm 2021 của VNG chính là tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa. Đặc biệt VNG sẽ tập trung phát triển Payment, AI và Cloud để tạo đà bắt kịp với làn sóng công nghệ tiếp theo. 

Doanh nghiệp cho biết thêm về dự định phát triển các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh thuộc các mảng Zalo, ZaloPay, Cloud, AI và các sản phẩm đầu tư hiện hữu.

Vì dồn lực cho các mục tiêu mới nên VNG sẽ không chia cổ tức năm 2020, thay vào đó doanh nghiệp này sẽ rao bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 20% tổng số cổ phần phát hành) cho nhà đầu tư trong nước theo bất kỳ phương thức nào được pháp luật cho phép. Giá chào bán sẽ do HĐQT quyết định và sẽ không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Dự kiến trong nửa cuối năm 2021 sẽ tiến hành việc này. 

Nhà đầu tư mua lại dự kiến sẽ trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của công ty, số tiền thu được dùng làm vốn lưu động, để phát triển các thị trường trong và ngoài nước hay thực hiện các thương vụ M&A. Mục đích chính của VNG vẫn là phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí của công ty trong ngành internet.

H.S

Xem thêm: Cuộc đua ngôi vương cho ví điện tử: ZaloPay lỗ liên tục 5 năm, lũy kế tới 1.000 tỷ đồng