Công ty Trung Quốc có thể bị thu hồi hợp đồng thuê cảng Úc

09:41 | 25/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Lam Kiều nói rằng hành động của chính phủ Úc sẽ khiến cho các nhà đầu tư sợ hãi, nhưng phe "diều hâu" của nước này nói sự kiểm soát của công ty nước ngoài với cảng Darwin sẽ rất nguy hiểm.

Landbridge (Lam Kiều) là công ty Trung Quốc sở hữu hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm cảnh báo cách chính phủ Úc đối xử với họ có nguy cơ khiến các nhà đầu tư từ các quốc gia khác sợ hãi.

Tập đoàn Lam Kiều có trụ sở tại Sơn Đông do tỷ phú Trường Diệp Thành thành lập. Tháng trước, tập đoàn đã được thông báo về việc xem xét an ninh đối với các hoạt động tại lãnh thổ phía Bắc của Úc, nơi tập đoàn đã mua vào năm 2015 với giá 506 triệu dollar Úc (380 triệu USD).

Diễn biến này đi theo sự suy thoái nghiêm trọng trong quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh và sự sụp đổ trong đầu tư của các công ty Trung Quốc tại Úc kể từ năm 2016, khi dòng tiền đầu tư của Trung Quốc vào Úc đạt đỉnh 16,5 tỷ dollar Úc.

Mike Hughes, quản lý Landbridge Australia nói: “Vấn đề của tôi với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài là chính phủ đã chấp thuận, chúng tôi đã trải qua một quá trình [phê duyệt] rất ngặt nghèo và trong 5 năm qua không ai đưa ra được bất kỳ điều gì cụ thể về vấn đề là gì”.

“Chúng tôi không phải là chính phủ Trung Quốc, chúng tôi là một công ty tư nhân. Nếu việc xem xét buộc chúng tôi phải bán hợp đồng thuê cảng, điều đó chắc chắn sẽ làm tăng rủi ro về chủ quyền cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào nhìn vào nước Úc, không chỉ các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Công ty Trung Quốc có thể bị thu hồi hợp đồng thuê cảng Úc - ảnh 1

Tỷ phú Trường Diệp Thành - nhà sáng lập tập đoàn Lam Kiều.

Tranh cãi đang làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt giữa phe diều hâu an ninh Úc và các lực lượng ủng hộ doanh nghiệp - Lực lượng này lo lắng rằng quyết định buộc Landbridge bán hợp đồng thuê sẽ đe dọa đầu tư nước ngoài.

Phe diều hâu phản đối rằng việc cho phép một công ty Trung Quốc kiểm soát một phần cơ sở hạ tầng quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương là rất rủi ro.

Một nhóm gồm 15 nghị sĩ cánh hữu cũng đang nhắm mục tiêu vào China Merchants Group, một công ty nhà nước có 50% cổ phần tại Cảng Newcastle, cảng than lớn nhất thế giới. Tuần trước, nhóm này đã yêu cầu chính phủ xem xét kỹ hơn, lập luận rằng cổ phần mang lại cho “Đảng Cộng sản Trung Quốc một lợi thế địa chính trị so với việc xuất khẩu than của Úc”.

Khi cơn giận dữ về đầu tư của Trung Quốc gia tăng, đảng Lao động đối lập đã chỉ trích cách xử lý của chính phủ bảo thủ đối với các mối quan hệ Trung-Úc, cho rằng nó đang thổi phồng "tình cảm dân tộc chủ nghĩa" để đạt được lợi ích bầu cử.

Mark McGowan, thủ tướng của chính quyền bang do đảng Lao động lãnh đạo ở Tây Úc, nói với các lãnh đạo doanh nghiệp vào tuần trước: “Cuộc bàn luận liên bang về xung đột, về trả đũa thương mại phải dừng lại".

Vào tháng 5, Canberra thông báo họ đang xem xét liệu có nên hủy bỏ hợp đồng thuê cảng Darwin gây tranh cãi. Cảng nằm gần căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ, ở vùng dân cư thưa thớt ở phía bắc của Úc.

Việc này được đưa ra sau quyết định vào tháng 4 về việc hủy bỏ hai thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai & Con đường giữa Victoria và Bắc Kinh, một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, cho biết khi công bố về việc xem xét lại: "Suy nghĩ của tôi là quyết định được đưa ra vào năm 2015 [về hợp đồng thuê cảng] có hoàn cảnh rất khác so với năm 2021".

Quyết định cho Lam Kiều thuê cảng Darwin đã khiến Washington lo ngại trong khi Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia, cáo buộc tập đoàn có mối liên hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Landbridge nói rằng họ là một thực thể thương mại và lời chỉ trích này là không công bằng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ Úc sẽ yêu cầu thay đổi hợp đồng thuê.

Richard McGregor, một nhà phân tích tại Viện Lowy cho biết: “Ví dụ, Canberra có thể tuân theo hợp đồng thuê và đánh giá an ninh sáu tháng/lần... Hoặc họ có thể dùng lựa chọn hạt nhân [phản ứng cực đoan], là phương án đắt đỏ và rủi ro hơn khi từ bỏ hoàn toàn hợp đồng cho thuê".

McGregor nói rằng Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ trả đũa, mặc dù có giới hạn với các khoản đầu tư của Úc có tính chất tương tự vào Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc: “Việc trả đũa quan trọng hơn con đường mà quyết định đưa ra sẽ tạo ra rủi ro mới về chủ quyền với các nhà đầu tư nước ngoài vào Úc".

Các công ty Trung Quốc ngày càng thận trọng về hoạt động giao dịch tại Úc do các giao dịch được giám sát chặt chẽ hơn và mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Đầu tư của Trung Quốc giảm 61% xuống 1 tỷ dollar Úc vào năm 2020, giảm so với 2,6 tỷ dollar Úc một năm trước đó.

Canberra có lý do để lo ngại về Lam Kiều. Tập đoàn này có liên quan chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Năm 2013, ông Trường Diệp Thành được khen thưởng là “Mười cá nhân hàng đầu” quan tâm đến công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc ở tỉnh Sơn Đông.

Lam Kiều cũng được báo chí Trung Quốc khen ngợi là “củng cố doanh nghiệp không quên phụng sự Tổ quốc, phát triển công nghiệp không quên bảo vệ Tổ quốc”, tích cực thực hiện văn hóa hỗ trợ quân đội, khoa học công nghệ hỗ trợ quân đội.

 Tiệp Nguyễn