Covid-19 đe dọa kỳ vọng tăng trưởng, có nên cho doanh nghiệp tự mua vắc xin, cứu sản xuất ?
Lời tòa soạn: Làn sóng Covid quay trở lại, với những diễn biến nguy hiểm hơn hẳn, đang có những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong chiều 25/5, tại Bắc Giang đã ghi nhận hơn 300 trường hợp là công nhân trong các khu cách ly đã dương tính với SARS-CoV-2.
Dịch bệnh kéo dài và đầy bất trắc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2021 của Việt Nam trước nhiều trở lực.
Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa Tạp chí Doanh nhân Việt Nam với Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế - tài chính.
PV: Thưa Tiến sỹ Cấn Văn Lực, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam đề ra năm 2021 đã được tính toán tới các khả năng tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng, theo ông đợt tái bùng phát dịch bệnh đầu năm 2021 có nằm trong tính toán đó ?
Tiến Sỹ Cấn Văn Lực: Như chúng ta đã biết, trong năm 2021 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%. Cùng với đó, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa phát triển kinh tế.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực.
Mục tiêu này của Chính phủ theo tôi là thận trọng và có lường trước những tác động mà đại dịch Covid sẽ gây ra. Làn sóng Covid hiện tại có thể nói là bất ngờ tuy nhiên tôi cho rằng nó vẫn nằm trong tính toán của Chính phủ. Xét trên bình diện những gì chúng ta làm được trong năm 2020 thì hoàn toàn có cơ sở để Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
PV: Theo Tiến sỹ, việc áp dụng hạn chế tiếp xúc và đi lại là nỗ lực tránh buộc phải dãn cách xã hội, hay là Việt Nam đã tìm ra công thức để đối phó với lây nhiễm cộng đồng ? Ông đánh giá thế nào về lựa chọn này của chính phủ và các địa phương ?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Chúng ta đã có kinh nghiệm hơn một năm ứng phó với đại dịch Covid, rõ ràng trong năm 2021 Việt Nam chưa đưa ra yêu cầu phải dãn cách xã hội lần nào. Thay vào đó, việc ứng phó với Covid được chính phủ áp dụng linh hoạt theo từng địa phương và tình hình cụ thể của dịch bệnh.
Nói đơn giản, Việt Nam cũng dần thích thích ứng tốt với đại dịch và tôi cho rằng điều này là cứu cánh đối với nền kinh tế.
Như tôi vừa đề cập, mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra cũng dựa vào yếu tố thích nghi với dịch bệnh của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu kép này, chúng ta đã lên phương án rất rõ ràng, không phòng chống dịch một cách “cực đoan”, chỉ khoanh vùng cách ly và giãn cách xã hội tại những ổ dịch, góp phần tạo điều kiện cho những khu vực chưa bị dịch bùng phát có thể đảm bảo phát triển kinh tế.
Việc này theo quan điểm của tôi là phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại.
PV: Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, theo quan điểm của ông, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liệu có đạt được như kỳ vọng?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Làn sóng dịch bệnh lần này sẽ có ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo tăng trưởng trong tháng 4 và tháng 5 nhiều khả năng sẽ không đạt được như kỳ vọng.
Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn là thách thức không nhỏ cho Chính phủ.
Tuy nhiên, Chính phủ không cần thiết phải thay đổi chỉ số về mục tiêu tăng trưởng vào thời điểm này. Bởi như tôi đánh giá, những mục tiêu Chính phủ đề ra về phát triển kinh tế vẫn đang nằm trong khả năng có thể thực hiện.
PV: Việc duy trì hoạt động cho khối doanh nghiệp ngoại, đặc biệt các nhà máy sử dụng lao động lớn như SamSung tại Bắc Ninh hay Bắc Giang… sẽ giúp giảm áp lực an sinh và đảm bảo cho kim ngạch xuất nhập khẩu, theo ông những mô hình hỗ trợ trực tiếp sản xuất trong khi dịch bệnh khó lường và luôn sẵn sàng tái bùng phát nên được thực hiện như thế nào?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 60% kim ngạch xuất nhập khẩu. Rõ ràng việc tạo điều kiện hỗ trợ để khối doanh nghiệp ngoại hoạt động là vô cùng thiết yếu.
Thực tế Chính phủ cũng đã đưa nhiều phương án để đưa khối nhà máy này đi vào hoạt động sớm nhất, đặc biệt tại các ổ dịch lớn như Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, những doanh nghiệp FDI lớn cần hoạt động để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên họ phải cam kết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch trong toàn bộ quy trình sản xuất ở mức cao nhất theo yêu cầu của Việt Nam...
PV: Theo Tiến sỹ, có nên cho phép hay yêu cầu các doanh nghiệp tự mua vắc xin tiêm cho công nhân của họ để đảm bảo sản xuất không?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Đây là một phương án cũng rất đáng lưu tâm, thực tế Việt Nam cũng đã tính đến cách này và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cần là cơ quan đứng ra thay mặt Chính phủ và doanh nghiệp để đặt mua vắc xin. Vì việc này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người lao động, nên phải thực hiện cẩn trọng và có cơ quan chuyên môn như Bộ Y tế thực hiện.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe Tiến sỹ!
Xuân Tùng (thực hiện)