CPTPP cơ hội tăng xuất khẩu nông sản Việt

22:29 | 03/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng sức ép cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.

Nhằm nhận diện rõ cơ hội và thách thức của nông sản Việt trong CPTPP để góp phần tăng cường nâng cao nhận thức đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. ngày 2/7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức hội thảo: “CPTPP - Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

CPTPP cơ hội tăng xuất khẩu nông sản Việt - ảnh 1
 Hội thảo: “CPTPP - Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”. Ảnh DNVN/HuongLan.
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Thêm vào đó là sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn chịu rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Thực tế đó đang cản trở sự gia tăng về số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao.
Cùng với đó, dưới tác động của các Hiệp định Thương mại Tự do, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Trong khi đó, tỉ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp; cách thức tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị còn sơ sài, liên thông giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới còn gặp nhiều rào cản… Đây chính là những cản trở sự gia tăng về số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao.
Do vậy, dưới tác động của các FTA, ông Thào Xuân Sùng cho rằng, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ có như thế, nông dân mới có thể chuyển đổi tư duy, xây dựng tâm lý tự tin, tự chủ, tự cường, tạo ra các nông sản có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tốt hơn
Nhấn mạnh Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay, và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt.
CPTPP cơ hội tăng xuất khẩu nông sản Việt - ảnh 2
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ánh: DNVN/HuongLan.
Tính đến nay, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, gạo thứ ba thế giới; xuất khẩu thủy sản thứ tư thế giới; xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ năm thế giới…Các Hiệp định FTA, trong đó có CPTPP là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn nữa cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, vào ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), đánh dấu thêm một cột mốc đáng nhớ nữa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc sớm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là hiệp định dự kiến có tác động rất tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tham gia vào các FTA không có nghĩa là chúng ta lạc quan hoàn toàn vì ai cũng biết nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới. Châu Âu lại là thị trường rất khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn cao cho nông sản. Do đó, ngành nông nghiệp cần tập trung giải quyết để tận dụng được những lợi thế mà cả hai hiệp định CPTPP và EVFTA mang lại.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp để tận dụng tốt và hiệu quả Hiệp định CPTPP, theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trước hết doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định để nắm vững các cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ tập đoàn lớn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.