CPTPP và EVFTA tạo hiệu ứng tích cực cho ngành dệt may

21:46 | 12/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thông báo mới nhất từ Bộ Công Thương: Sản xuất của ngành dệt may 7 tháng đầu năm tăng trưởng tốt nhờ cơ hội và triển vọng từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

CPTPP và EVFTA tạo hiệu ứng tích cực cho ngành dệt may - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Theo đó, tính chung 7 tháng đầu năm 2019, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 351 triệu m2, tăng 8,4%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 678 triệu m2, tăng 11,5%; quần áo mặc thường ước đạt 2.912,7 triệu cái, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 18,34 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Ngành da giày cũng bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng theo thông lệ hằng năm, cùng với cơ hội được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc, sản xuất của ngành tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ 2018 (chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,7% so với cùng kỳ).

Sản lượng giày, dép da 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 161,4 triệu đôi, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam tuy đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh: Trong dài hạn, các doanh nghiêp cần có giải pháp đi sâu vào chuỗi giá trị, bởi những lợi thế về chi phí của Việt Nam sẽ mất dần và gặp áp lực cạnh tranh lớn từ Campuchia, Bangladesh.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần liên kết, chia sẻ với nhau cũng như liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang là thành viên để tận dụng các ưu đãi mang lại.