Củ cải rớt giá, lại tiếp tục công cuộc giải cứu nông sản

09:50 | 22/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Gần đây, hàng tấn củ cải trắng vứt bỏ ngổn ngang tại cánh đồng xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) do không thể tiêu thụ ngoài thị trường. Trước tình trạng này, nhiều nhóm từ thiện hoặc siêu thị đã thu mua, tiêu thụ hàng chục tấn củ cải đang bị ùn ứ vào nội đô.

Cụ thể, nhóm từ thiện cựu học sinh niên khóa 93-96 trên địa bàn Hà Nội đã  “bán hộ” bà con nông dân hàng chục tấn củ cải trắng. Chị Nguyễn Thị Nga (cựu học sinh 93-96 của Trường THPT Thăng Long) cho biết: “Nhóm chúng tôi nhận thấy gần đây bà con nông dân ở Tráng Việt , Mê Linh gặp khó khăn trong tiêu thụ củ cải. Sau khi họp nhóm chúng tôi quyết định hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ, với giá mua tại ruộng cho bà con là 5.000 đồng/1 kg để bà con gỡ lại vốn đầu tư và công chăm sóc. Sau đó, thành viên trong nhóm sẽ huy động xe để vận chuyển củ cải về nội đô bán thành túi lớn với 25.000 đồng/5 kg giống như người dân bán tại ruộng”.

Với vài địa điểm bán trong nội đô, hàng trăm người dân Hà Nội rất quan tâm, đến mua củ cải ủng hộ, có người 5 kg, nhưng có những người mua vài chục cân. Vì vậy, nhóm từ thiện đã bán được khoảng hơn 30 tấn củ cải sau 3 ngày.

Củ cải rớt giá, lại tiếp tục công cuộc giải cứu nông sản - ảnh 1
 Nhiều người đã dừng lại mua củ cải ủng hộ người nông dân. Ảnh: Ánh Ngân

Bên cạnh đó, một số siêu thị như siêu thị BigC, siêu thị Qmart và Qmart+… cũng hỗ trợ tiêu thụ cho người dân khi bày bán tại các vị trí ngay lối vào của quầy thực phẩm tươi sống tạo thuận tiện để giúp sản phẩm dễ tiêu thụ.

Trao đổi về việc hỗ trợ tiêu thụ củ cải trắng, bà Nguyễn Hiền Thu – trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống của Big C Thăng Long cho biết: “Big C đã bán củ cải bắt đầu từ thứ 7, dự kiến chương trình bán hàng hỗ trợ nông dân huyện Mê Linh giải cứu củ cải trắng sẽ chạy trong vòng 1 tuần với 30 tấn hàng. Giá bán ra là 3.900 đồng/kg”.

Nói về những hành động “giải cứu” nông sản của một số nhóm từ thiện hoặc các siêu thị, chị Vũ Thị Nhung (Lê Thanh Nghị, Hà Nội) cho rằng: “Chúng tôi cũng khá tin tưởng chiến dịch giải cứu nông sản từ những nhóm từ thiện vì họ mua nông sản tại ruộng 5.000 đồng/kg, hơn hẳn với giá rẻ như cho như thường thấy để giúp người dân “vớt vát” được vốn đầu tư. Tại nội thành, nhóm từ thiện chịu tiền phí vận chuyển và giữ nguyên giá bán là 5.000 đồng/kg”.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm tình nguyện phải tiến hành giải cứu nông sản cho nông dân. Trước đây, nhiều loại nông sản như dưa hấu, mía đường, vải, chuối, thịt heo... cũng đã phải nhờ đến sự trợ giúp này để tiêu thụ. Trước tình trạng được mùa, mất giá của nông sản Việt đã tái diễn nhiều năm qua với thanh long, dưa hấu, hành tím, chuối... rồi giờ đến củ cải, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh chiều 19/3, Đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đưa ra câu hỏi về vấn đề này.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết trước đây, Bộ KH&CN đặt hàng một số doanh nghiệp hỗ trợ Chương trình quốc gia nghiên cứu “giải cứu” nông sản, ký kết một số Nghị định thư với các nước để chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất cho chế biến nông sản. Cùng với đó là nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng được nghiên cứu để phục vụ cho chế biến hàng hóa nông sản.

Theo Bộ trưởng, đây là những giải pháp bước đầu nhưng đồng bộ để giải quyết cho thấu đáo tình trạng dư thừa nông sản. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, giải pháp căn cơ là phải có chính sách thị trường phù hợp, và điều này sẽ được xử lý với tư duy sản xuất chuỗi. Trong đó, Bộ KH&CN đã thống nhất với Bộ NN&PTNN, “nhận” phần chế biến và chuyển giao công nghệ.

Một tín hiệu vui là ngay trong năm nay, 8 nhà máy chế biến nông sản theo hình thức chuỗi sẽ được khánh thành, tạo thuận lợi cho việc phát triển hình thức này.