Đường vành đai 4 chạy qua, giá đất huyện Mê Linh biến động ra sao?
Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112,8 km, trong đó 58,2 km đi qua Hà Nội. Riêng đoạn tuyến qua địa bàn huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km, qua địa phận 5 xã: Văn Khê 2,5 km; Chu Phan 381 m; Đại Thịnh 1,5 km; Thanh Lâm 1,2 km và Kim Hoa 3 km.
Tổng diện tích dự kiến GPMB là 134,2 ha (đất ở 8,9 ha; đất nông nghiệp 108,2 ha; đất do UBND các xã quản lý 17,1 ha; di dời 351 ngôi mộ). Tổng nhu cầu tái định cư 7,83 ha; nhu cầu xây dựng hạ tầng phục vụ tái định cư 15,66 ha; thực hiện di dời hạ tầng xã hội ba trường học (Tiểu học Văn Khê C, Tiểu học Kim Hoa A, THCS Kim Hoa),...
Trước đó, TP Hà Nội cho biết dự kiến chi phí GPMB qua huyện Mê Linh khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
UBND huyện Mê Linh dự kiến sẽ tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ GPMB dự án trước quý III/2023; tổ chức bàn giao 60 - 70% diện tích đất đã GPMB xong trước quý III/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý IV/2023.
Thị trường BĐS Mê Linh tăng nhiệt
Mê Linh được đánh giá là địa phương với nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai phá: vị trí cửa ngõ, là đầu mối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc; cơ sở hạ tầng đang được đầu tư nâng cấp; quỹ đất dồi dào, mức giá còn rẻ. Huyện còn có các khu du lịch sinh thái dọc các con sông, các điểm tham quan hiện thu hút nhiều du khách như Đồi 79 mùa xuân, Đền Hai Bà Trưng… Với vị trí hiện tại, huyện có thể tạo ra liên kết với các điểm du lịch phát triển trong vùng như Bắc Ninh, Đông Anh, Sóc Sơn, Đại Lải, Tam Đảo.
Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản Mê Linh phát triển tương đối sớm nhưng không quá sôi động, khách hàng chỉ coi đây là một huyện ngoại thành, chưa phát triển. So với các huyện ven đô khác như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh thì mặt bằng giá bất động sản tại Mê Linh vẫn còn ở mức khá thấp. Phân khúc bất động sản được quan tâm nhiều chủ yếu là nhà đất thổ cư và đất nền dự án Mê Linh.
Trước đó, Mê Linh từng là điểm nóng về bất động sản tại Hà Nội trong giai đoạn 2008-2009 khi phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được công bố và Mê Linh - một huyện của Vĩnh Phúc được sáp nhập vào Hà Nội, cũng theo Batdongsan.com.vn.
Huyện vùng ven phía Bắc Hà Nội với diện tích tự nhiên 14.246 ha lúc đó trở thành một đại công trường với sự xuất hiện của hàng loạt dự án lớn nhỏ. Trong đó, có rất nhiều dự án quy mô lên tới hàng trăm ha như Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt (24,3 ha), khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn (60 ha), Làng Quốc tế Tiền Phong (30 ha), khu đô thị Minh Giang Đầm Và (22 ha)…
Sức nóng của việc sáp nhập cộng hưởng cùng cuộc đổ bộ rầm rộ của nhiều dự án khiến giá bất động sản Mê Linh tăng vọt trong khoảng thời gian 2008-2009. Giá bán tăng từ mức 3-5 triệu đồng/m2 lên 18-25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sự sôi động chỉ mang tính tạm thời. Khi về với thủ đô, Mê Linh gặp nhiều khó khăn trong công tác điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính phát sinh do quá trình sáp nhập, cùng khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng bất động sản ập đến, thị trường bất động sản huyện Mê Linh nhanh chóng hạ nhiệt.
Khoảng 3 năm trở lại đây, sức nóng của thị trường bất động sản Đông Anh tiếp giáp và những chuyển biến tích cực về hạ tầng giao thông như cầu vượt Phạm Văn Đồng thông với cầu Thăng Long được nâng cấp đã tạo cú hích cho bất động Mê Linh, đặc biệt là phân khúc đất nền dự án.
Thời gian qua, thị trường bất động sản Mê Linh bỗng tăng nhiệt trước thông tin lên thành phố cùng Sóc Sơn và Đông Anh. Bên cạnh đó, hàng loạt lô đất xây biệt thự, liền kề tại Mê Linh sắp được tổ chức đấu giá cũng là thông tin hâm nóng cho thị trường trường, thu hút các nhà đầu tư đổ về khu vực này tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thời gian gần đây, huyện Mê Linh liên tiếp ghi nhận những cuộc đấu giá đất với mức giá trúng cao. Cụ thể, đầu tháng 6, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã đấu giá 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh.
Theo đó, các lô đất có giá khởi điểm là 27,1 triệu đồng/m2 và 35,2 triệu đồng/m2. 9 lô đất ký hiệu từ 01 đến 09, có diện tích dao động từ 95,6 - 129,7 m2; 8 lô đất ký hiệu 10 - 17, có diện tích từ 87,8 m2 đến 145 m2. Kết quả đấu giá đất, lô vị trí đẹp có mức trúng đấu giá lên tới 85,5 triệu đồng/m2 và 75,5 triệu đồng/m2. So với đất khu vực xung quanh, giá trúng đấu giá đất cao hơn 20-40% mỗi m2.
Cùng thời điểm, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã tổ chức đấu giá khoảng 200 sản phẩm thấp tầng là biệt thự đơn lập, biệt thự song lập và nhà vườn thuộc Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Giá khởi điểm của biệt thự đơn lập có diện tích từ 362 - 410m2, dao động trong khoảng 39,5 - 50,3 triệu đồng/m2. Loại hình nhà vườn diện tích 102 - 159m2, giá khởi điểm dao động từ 4,2 - 8,3 tỷ đồng, tương đương 40,7 - 51,1 triệu đồng/m2.
Biệt thự song lập diện tích từ 210 - 305,5m2, giá khởi điểm dao động từ 36,7 - 47,4 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá, nhiều sản phẩm được trả chênh vài tỷ đồng, giá đấu của một số lô đất đạt mức khoảng 60 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn hẳn giá đất các khu vực xung quanh từ 12-20 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, ngày 30/7, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh (TP Hà Nội) phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá 33 lô đất tại điểm X1, tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông.
Theo đó, 33 lô đất đã thu hút 270 lượt khách hàng tham gia đấu giá. Kết quả, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công, thu về gần 226 tỷ đồng, cao hơn gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, đây là mức giá mới tăng cao kỷ lục, theo Cổng TTĐT huyện Mê Linh.
Kết quả đấu giá cho thấy, lô LK-B-01 có diện tích 160 m2 có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một lô góc ký hiệu LK-A-01 có diện tích 193 m3 cũng được đấu thành công với mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Các lô còn lại thuộc băng 1 đường Chi Đông có giá trúng dao động 70 - 75 triệu đồng/m2. Các lô băng 2 đường Chi Đông có giá trúng dao động 45 - 62 triệu đồng/m2.
Tổng diện tích khu đất vừa đấu giá là 3.412,7 m2 (diện tích thửa nhỏ nhất 67,4 m2; thửa có diện tích lớn nhất 193 m2), giá khởi điểm từ 32,1 triệu đồng đến 44,2 triệu đồng/m2.
Trong đó, 17 lô băng 1 đường Chi Đông có ký hiệu từ LK-A- 01 đến LK-A- 09 và từ LK-B-01 đến LK-B-08, có diện tích 110 m2 - 193 m2, giá khởi điểm dao động 40,2 – 44,2 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc là 884,4 triệu đồng – 1,7 tỷ đồng/lô.
16 lô băng 2 đường Chi Đông có ký hiệu từ LK-C-01 đến LK-C-08 và từ LK-D-01 đến LK-D-08, có diện tích từ 67,4m2 -141m2, giá khởi điểm 32,1 triệu đồng – 35,3 triệu đồng/m2.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án đi qua địa phận Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km) và tuyến nối (dài 9,7 km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng 90 - 135 m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90 m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120 m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135 m.
Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2027. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023.
Tại Hà Nội, hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến Vành đai 4 được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (dài khoảng 11 km); đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (khoảng 9,6 km); đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (khoảng 17,77 km); đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5 km.
Vừa qua, các đơn vị thuộc UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4, đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18, tỷ lệ 1/500, tại các huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang 120 m bao gồm thành phần đường cao tốc ở giữa 6 làn xe, đường song hành (đường đô thị) hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho tuyến đường sắt quốc gia vành đai.
Dọc theo đoạn tuyến đường Vành đai 4 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 có 5 nút giao khác mức, bao gồm hai nút giao liên thông với quốc lộ 18 (cao tốc Hà Nội - Lào Cai), đường trục trung tâm đô thị Mê Linh và ba nút giao trực thông với các tuyến đường liên khu vực rộng 48 m Tiền Phong - Tự Lập, đường chính đô thị rộng 68 m phía nam tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai hiện có và quốc lộ 2.
Các nút giao liên thông với quốc lộ 18 và trục trung tâm đô thị Mê Linh sẽ được triển khai đầu tư xây dựng ngay cùng với đường vành đai 4 (các nút giao còn lại sẽ triển khai thực hiện theo dự án riêng), được xác định chính thức chỉ giới đường đỏ tại hồ sơ này.