Hàng loạt dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh có thể bị thu hồi

Nguyễn Triệu 16:46 | 08/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND huyện Mê Linh đề xuất UBND TP Hà Nội thu hồi, chấm dứt 14 dự án với tổng diện tích gần 920ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn vừa có báo cáo về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.  Nguyên nhân nhiều dự án chậm triển khai được một số chủ đầu tư cho biết là do huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội tuy nhiên, tới tận cuối năm 2014 các quy hoạch phân khu và chi tiết mới hoàn chỉnh. Do vậy, từ năm 2008 - 2014, các doanh nghiệp phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch. 

 Ảnh minh hoa (Ảnh NĐH)

 

Từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư. Nhiều trường hợp, có những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do có chính sách giao đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm.

Cụ thể, có 4 dự án chậm triển khai tại xã Đại Thịnh: dự án khu đô thị mới BMC do Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Prime Group do Công ty Cổ phần Prime Group làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và dự án khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh đều do Tổng Công ty Đầu tư phát triển và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.

Đối với xã Văn Khê có 2 dự án, thứ nhất là dự án thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên do Công ty Cổ phần sữa Hà Nội làm chủ đầu tư. Thứ hai là dự án trồng hoa, cây xanh kết hợp du lịch sinh thái tại do Công ty Cổ phần Quốc tế Hùng Việt làm chủ đầu tư.

Còn xã Tiền Phong có 3 dự án chậm triển khai là dự án xây dựng bệnh viện cho người có thu nhập cao do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở sinh thái Vietracimex, diện tích 2,8ha do Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng làm chủ đầu tư. Và khu đô thị mới Sông Hồng Thủ đô tại do Công ty Cổ phần Mặt trời sông Hồng làm chủ đầu tư. Dự án khu đô thị mới Việt Á do Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư ở xã Thanh Lâm.

Tiếp đến là 2 dự án chậm triển khai tại thị trấn Quang Minh, là dự án khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho thu nhập thấp, diện tích 12,9ha do Công ty Cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; dự án khu công nghiệp Quang minh II do Công ty TNHH Hợp Quần (Đài Loan) làm chủ đầu tư. Cuối cùng là 2 dự án đều của chủ đầu tư là Công ty CP thương mại dịch vụ du lịch Phương Viên là: dự án Khu nhà ở Thanh Lâm và dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên nằm tại địa phận 3 xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tam Đồng.

Trước đó, tháng 11/2022, UBND thành phố Hà Nội đã họp, cho ý kiến vào các vấn đề liên quan vấn đề thu hồi đất, tinh thần chung, thành phố làm quyết liệt, có bài bản, trách nhiệm, trong đó sẽ phân loại dự án đã giao đất giao đầu mối cho Sở Tài nguyên Môi trường; dự án chưa giao đất giao đất mà chỉ mới có chủ trương đầu tư sẽ giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư.

Theo UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, toàn thành phố có 2.860 dự án thu hồi đất, với diện tích 10.098,7 ha và 910 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, với diện tích 1.563,78 ha. Tính đến ngày 14/11/2022, thành phố thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.862 dự án, tổng diện tích 6.574,3 ha, đạt 65% kế hoạch thu hồi đất năm 2022. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2022 là 2.125 dự án với diện tích 7.503,3 ha, đạt 74,3% kế hoạch thu hồi đất năm 2022.

Trước đó Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Văn bản số 8053/STNMT-TTr ngày 24/20/2022 về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý trên phương tiện truyền thông địa phương như: Loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất... đối với 23 dự án mà UBND thành phố đã có quyết định thu hồi đất. Đồng thời, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và chấm dứt hoạt động dự án.

Trong số 23 dự án mà UBND TP đã có quyết định thu hồi đất, địa bàn huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, gồm: Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty CP An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại quốc tế Như Thành.

Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Thiên Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân), Công ty CP Licogi 13 - nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty CP Ánh Dương; Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo viên, do trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ (xã Tiến Xuân), do Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất, gồm: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) do Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty CP Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư.

Dự án khu dịch vụ và đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Công ty CP Thương mại dịch vụ và đầu tư Phú Hòa làm chủ đầu tư; Dự án trụ sở làm việc số 150, ngõ 72 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Công ty CP Xây lắp và sản xuất công nghiệp làm chủ đầu tư; Dự án Mở rộng, nâng cấp Viện di truyền nông nghiệp, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), Viện Di truyền nông nghiệp làm chủ đầu tư.

Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng, số 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chủ đầu tư là Hợp tác xã Công nghiệp Thăng Long; Trụ sở giao dịch và khách sạn, số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Anh; Dự án Nam Đoàn Plaza, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), Công ty CP Địa ốc Dầu khí Viễn thông làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trụ sở Đại sứ quán (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Vương quốc Ả rập Xê út làm chủ đầu tư.