Cụ Đỗ Thế Sử: Bậc trưởng lão của gia tộc doanh nhân thành đạt
Con người làm kinh doanh "14 tuổi chưa sớm, 90 tuổi không muộn"
Sinh năm 1923 tại quê nhà xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, cụ Đỗ Thế Sử từng là đại biểu HĐND khoá đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Cụ tham gia học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên, từng là Ủy viên Mặt trận Liên Việt huyện, làm Chủ tịch xã, rồi cán bộ tuyên huấn của Tỉnh ủy Hà Tây cũ.
Dù được sinh ra trong một gia đình điền chủ giàu nhất vùng Sơn Tây lúc bấy giờ với hàng trăm mẫu ruộng “thẳng cánh cò bay” nhưng với sự thông minh, ưu tú hơn người, cụ Đỗ Thế Sử đã sớm giác ngộ cách mạng.
Cụ là người vận động mẹ mình hiến ruộng đất cho chính quyền, sau đó lên đường tản cư kháng chiến. Khi giành chính quyền thời kỳ năm 1945, cụ là đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây. Trong thời gian tham gia kháng chiến, dù bị Quốc dân Đảng bắt bớ, tù đày, cho tới những tháng ngày bị xử oan trong cải cách ruộng đất, cụ vẫn một lòng trung kiên với cách mạng.
Năm 2012, ghi nhận những đóng góp trong 50 năm làm doanh nghiệp của cụ Đỗ Thế Sử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao tặng cụ Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp”. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương cho Cụ đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”
Trong những dòng viết hồi tưởng về cuộc đời, cụ Đỗ Thế Sử có nhắc tới người mẹ của mình, gọi mẹ là “Người đàn bà nông dân đáng nể phục”, và càng phục hơn khi “mẹ dám bỏ ruộng vườn tài sản, bỏ trâu bò để cùng con đi theo kháng chiến”. Bà làm giàu bằng đầu óc nhạy bén và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn.
“Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực, nhất là khi cuộc đời thử thách mình”, cụ Đỗ Thế Sử trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Năm 1964, cụ Sử đang giữ chức Tổng biên tập Báo Sơn Tây thì cụ bà đột ngột ngã bệnh qua đời. Cụ Sử lúc này lâm cảnh cha góa con côi, lúc ấy đứa lớn nhất đang học lớp 10, đứa con nhỏ nhất mới lên hai tuổi. Cụ Sử đứng trước sự lựa chọn giữa công việc và chín người con. Sau rất nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng cụ viết đơn xin nghỉ việc.
Nghỉ việc, lại vừa làm cha, vừa làm mẹ, cụ trăn trở nghĩ cách mưu sinh. Thấy nhiều việc đơn giản mà những đứa trẻ có thể làm được, cụ thành lập Hợp tác xã (HTX) thủ công chuyên làm văn phòng phẩm, thành viên là người trong gia đình và vài người hàng xóm. Hằng ngày, công việc của các anh chị lớn là xén giấy, em nhỏ thì gập, dán những chiếc bằng tốt nghiệp, huân, huy chương và đóng sổ sách các loại…
Ban ngày lao động, tối về cụ bảo các con ngồi thành hai bàn dài để dạy học. "Tôi là người cha nghiêm khắc, yêu cầu rất cao ở con mình. Vừa phải lao động vừa phải học giỏi xuất sắc điểm A, không có B", cụ từng chia sẻ.
Thương và vâng lời bố, các con cụ đều cố gắng học thật giỏi. Ngoài giờ học, các con lớn còn giúp bố nấu cơm, trông em, nuôi lợn. Ngày đi làm hợp tác, tối dạy con học, đêm ngủ người cha vẫn thường phải soi đèn đếm chân xem có đủ chín đứa con không.
Đầu những năm 60, cụ Sử vào học tại chức ở Đại học Bách khoa Hà Nội và là người học giỏi nhất lớp. Học được ba năm, do đau yếu nên cụ xin nghỉ.
Nhưng chính nhờ những kiến thức tích lũy được hồi học đại học tại chức Bách khoa, HTX do cụ Sử làm chủ nhiệm sản xuất thành công gang dẻo tâm đen rất có uy tín. HTX lúc ấy có tới 200 đầu máy và 300 xã viên. Công việc kinh doanh đã giúp cụ nuôi được các con học hành đến nơi đến chốn.
Dù thành thạo tiếng Pháp, 80 tuổi, cụ vẫn tiếp tục học tiếng Anh. Chuẩn bị bước sang tuổi 90, cụ vẫn mua sách tiếng Trung về tự học, khuyến khích con cháu học theo. Theo lời kể của những người con họ Đỗ, trong buổi sum họp con cháu chiều 30 Tết, cụ có thói quen tổng kết năm cũ bằng tiếng Anh, thứ tiếng cụ gọi là của "công dân toàn cầu", với phong thái tự tin và trôi chảy.
Sự học không chỉ dừng trên sách vở mà cả học trên thương trường ở tuổi xưa nay hiếm. Vì vậy, 62 tuổi nghỉ hưu, cụ xuất khẩu may mặc sang Tiệp; 73 tuổi, thành lập công ty Gamexco, điều hành hàng trăm công nhân lao động.
Cụ Sử từng bộc bạch: "Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc... Quyết tâm tạo điều kiện cho các con học tập và một lòng vì chúng, tôi đã ở vậy nuôi các con 15 năm. Chỉ đến khi con nhỏ Đỗ Anh Tú được cử đi học tại Tiệp Khắc (cũ) tôi mới tục huyền với nhà tôi, bà Nguyễn Kim Phương và cùng bà điều hành doanh nghiệp đến bây giờ".
Gia tộc thành đạt nổi tiếng Việt Nam
11 người con của cụ Đỗ Thế Sử đều thành đạt. Trong đó, ông Đỗ Minh Phú – người con trai thứ ba có sự nghiệp kinh doanh tiếng tăm nhất. Không chỉ sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji và kinh doanh thành công, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú đã tạo dựng thành công thương hiệu Diana và bán cho công ty Nhật Bản khi công ty đang ở đỉnh cao. Sau thương vụ M&A đình đám này, anh em ông Phú và Tập đoàn Doji đã mua lại 20% cổ phần tại Tienphong Bank (nay là TPBank). Không chỉ TPBank, Doji cũng nắm cổ phần chi phối tại một số doanh nghiệp khác.
Ngoài ông Phú, những người con khác của cụ Sử cũng có sự nghiệp hết sức thành công.
Con trai thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện nay là Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Người con thứ tư là Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Người con thứ năm là Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty FTD Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt lạnh.
Người con thứ sáu là Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty Diana.
Người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên, tiến sĩ luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ.
Tới nay, cụ Sử đã có tất thảy 22 con, 37 cháu và 25 chắt. Tất cả con cháu dâu rể đều là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên và có gần chục giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ.
Ông Đỗ Minh Phú, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP TPBank từng chia sẻ: Không chỉ có dòng máu kinh doanh chảy trong huyết quản, cũng chẳng phải nhờ gia thế lẫy lừng, mà chính tinh thần tự lập, tự cường đã góp phần tạo nên một Đỗ Minh Phú bản lĩnh như ngày hôm nay. Những thành công có được hôm nay của ông và các anh em nhờ vào sự dạy dỗ của cha.
Suốt gần 1 thế kỷ làm việc cống hiến không mệt mỏi cho xã hội, cho gia đình, lão doanh nhân Đỗ Thế Sử tạ thế vào sáng 10/5/2019, hưởng thọ 97 tuổi.