Cụ ông 88 tuổi thành triệu phú nhờ tự mày mò đầu tư, người hâm mộ ví như ‘Warren Buffett của Nhật Bản’

Giang 16:30 | 30/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Shigeru Fujimoto phải sử dụng khung tập đi để di chuyển nhưng vẫn chăm chỉ dậy sớm và đầu tư chứng khoán mỗi ngày. Ông đã tích lũy được khối tài sản khoảng 14 triệu USD nhờ mua bán cổ phiếu.

Ông Shigeru Fujimoto. (Ảnh: Bloomberg).

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi báo cáo gửi lên cơ quan quản lý chứng khoán Nhật Bản cho thấy ông Shigeru Fujimoto đã tích lũy hơn 5% cổ phần trong Storage-OH, giá cổ phiếu công ty quản lý bất động sản này nhanh chóng bật tăng 17%.

Ông Fujimoto không phải tỷ phú hay nhà quản lý quỹ đầu cơ sừng sỏ nào, mà chỉ là một cụ ông 88 tuổi từng mở cửa hàng thú cưng ở thành phố Kobe.

Tại Nhật Bản, hầu hết mọi người đều cất trữ tài sản dưới dạng tiền mặt và tiền gửi trong ngân hàng với mức lãi suất hầu như không đáng kể.

Vì vậy, việc ông Fujimoto gầy dựng được gia tài lớn từ thị trường chứng khoán lại càng đáng ngạc nhiên. Sau gần 70 năm đầu tư, ông có số tài sản trị giá 2 tỷ yen (tương đương khoảng 14 triệu USD).

Theo tờ Bloomberg, ông Fujimoto từng viết một cuốn sách ăn khách về chiến lược đầu tư cá nhân và có một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ trung thành.

Là một nhà đầu tư kiên định, ngay cả khi chứng khoán Nhật Bản chứng kiến mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987, ông Fujimoto cũng không nản lòng. Ông cho biết: “Khi giá cổ phiếu giảm thì đó là lúc tôi mua cổ phiếu. Câu hỏi đặt ra chỉ là bạn có tiền hay lòng dũng cảm để làm điều đó hay không”.

Ông Fujimoto theo dõi mọi giao dịch, ghi lại ngày, cổ phiếu và giá cả sau khi lệnh được xử lý. (Ảnh: Bloomberg).

Chiến lược đầu tư rủi ro

Nhiều người Nhật Bản, đặc biệt là các công dân lớn tuổi, đã tránh xa thị trường chứng khoán sau khi bong bóng tài sản đổ vỡ vào thập niên 1990, khiến họ phải chịu tổn thương tâm lý sâu sắc.

Báo cáo do ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố hồi đầu tháng 9 cho thấy tiết kiệm tiền mặt chiếm hơn một nửa tài sản của các hộ gia đình - cao hơn nhiều so với tỷ lệ ở Mỹ hoặc châu Âu.

Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng khai thác nguồn thanh khoản đó, khuyến khích người dân rút bớt tiền trong ngân hàng để rót vào thị trường chứng khoán bằng cách mở rộng các tài khoản hưu trí miễn thuế được gọi là NISA.

Song, chính phủ vẫn còn nhiều việc phải làm bởi tâm lý né tránh đầu tư có vẻ đã ăn sâu vào tâm lý người dân. Hai trong số ba ứng viên cho chức thủ tướng Nhật Bản không nắm giữ cổ phiếu. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người dự kiến sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo, sở hữu cổ phiếu thông qua thừa kế.

Ông Fujimoto đánh giá việc giới trẻ bắt đầu tìm tòi về thị trường chứng khoán là điều tốt, bởi việc đầu tư “rất vui”. Ông chia sẻ: “Thật vui khi bạn suy nghĩ kỹ, nghiên cứu chăm chỉ, đạt kết quả tốt và kiếm được lợi nhuận phải không? Việc học hỏi rất vui. Nhìn thấy kết quả mình đạt được cũng rất vui”.

Đôi khi có người hỏi ông có nhận học trò hay không. Truyền thông địa phương thì gọi ông là “Warren Buffett của Nhật Bản”. Ông nói rất vinh dự khi được so sánh với Buffett, nhưng điểm chung duy nhất giữa hai người chỉ là tuổi tác và tình yêu với cổ phiếu.

Ông Hiroshi Namioka, Giám đốc đầu tư tại T&D Asset Management, bình luận: “Ông Fujimoto đam mê đầu tư chứng khoán không kém gì các nhà đầu tư tổ chức. Ông ấy có sức ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đại chúng và nhỏ lẻ”.

Tuy là một người có vẻ khá “cổ điển”, không sở hữu smartphone, ô tô hay thậm chí là thẻ tín dụng, ông Fujimoto lại có phong cách đầu tư đầy mạo hiểm.

Trong 10 năm qua, ông tập trung vào chiến lược đầu tư theo ngày (day trading), tức mua nhanh, bán nhanh. Ông thuộc số ít 3% nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ cổ phiếu trong chưa đầy một tháng, theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội các nhà môi giới chứng khoán Nhật Bản.

Ông khuyến nghị các nhà đầu tư trẻ không đầu tư ngắn hạn giống ông mà tập trung vào dài hạn. Ông khuyên: “Điều quan trọng là nắm giữ cổ phiếu tốt trong lâu dài. Đừng mua cổ phiếu rồi lại bán ngay lập tức như các nhà đầu tư trong ngày. Nếu bạn nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian, chắc chắn chúng sẽ đem lại kết quả”.

Chú vẹt Pi-chan đồng hành cùng ông Fujimoto khi ông giao dịch. (Ảnh: Bloomberg).

Vẫn còn hối tiếc

Hành trình đầu tư của ông Fujimoto bắt đầu gần 70 năm trước. Năm 19 tuổi, ông Fujimoto làm việc tại một cửa hàng thú cưng và có dịp nói chuyện với vị khách quen là giám đốc một công ty chứng khoán ở địa phương. Những cổ phiếu đầu tiên ông mua bao gồm công ty tiền thân của Sharp và công ty lọc dầu Eneos Holdings.

Ban đầu, ông Fujimoto không dành nhiều thời gian với cổ phiếu. Ông mở cửa hàng thú cưng của riêng mình, rồi bán nó đi để mở một tiệm mạt chược theo phong cách Nhật Bản vì tin rằng loại hình kinh doanh này có triển vọng kiếm tiền.

Năm 1986, ông thu về 65 triệu yen sau khi bán lại các cơ sở mạt chược và bắt đầu đầu tư toàn thời gian trên thị trường tài chính. Ông trở thành day trader vào năm 2015.

Ông Fujimoto thường thức dậy lúc 2 giờ sáng để kiểm tra thị trường chứng khoán Mỹ và xem CNBC. Ông cũng theo dõi chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của các công ty Nhật Bản để chuẩn bị cho phiên giao dịch ở thị trường nội địa. Khi làm vậy, ông để chú vẹt cưng tên Pi-chan đậu trên đầu.

Ông Fujimoto cho biết mua bán cổ phiếu khi ngoài 80 tuổi giúp ông tận hưởng cuộc sống và “tránh bị lão hóa”. Nhưng ông “vẫn không hài lòng” với số tài sản trị giá 2 tỷ yen.

Ông chia sẻ: “Tôi vẫn chưa bỏ đủ công sức vào việc đầu tư. Tôi phải cẩn thận để không quá tham lam nhưng vẫn tạo ra được lợi nhuận. Tham lam không bao giờ là điều tốt”.