(DNVN) - Trong 4 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô. Dự báo năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, nông sản Việt lại trầy trật khi cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, điển hình là ở khâu đưa hàng vào tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.
85% nông sản tiêu thụ bằng các kênh bán lẻ
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…); 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…). Con số hàng nông sản sạch tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại nêu trên được đánh giá là khá nhỏ bé so với năng lực sản xuất của Việt Nam.
Còn theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước đạt 400 tỷ đồng/năm. Đây là con số lớn đối với người nông dân nhưng thực ra vẫn khá nhỏ bé so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Lý giải về thực trạng này, giới chuyên gia trong ngành bán lẻ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do phương thức canh tác của bà con nông dân vẫn manh mún, thiếu liên kết theo chuỗi nên không đảm bảo được các tiêu chí mà các kênh bán lẻ hiện đại đặt ra. Bởi muốn vào được các hệ thống siêu thị hiện đại, hàng hóa cần phải đạt được những quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó nhất định nông sản phải được sản xuất theo các quy trình sạch.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất hiện nay còn chưa nắm được những công nghệ sản xuất an toàn, không chủ động được truyền thông thị trường. Điều quan trọng là nhà sản xuất cần tuân thủ bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ song dường như không nhiều nông hộ hiện nay quan tâm, vẫn còn sản xuất theo “kinh nghiệm”. Ngoài ra, họ thiếu hẳn những “kỹ năng” về nắm bắt thông tin thị trường, thiếu sự liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng, họ vẫn chủ yếu phụ thuộc thương lái tự do và doanh nghiệp (DN) bao tiêu. Phương thức làm ăn manh mún này khó có thể đáp ứng được những yêu cầu mà các kênh bán lẻ hiện đại đặt ra.
Cần luật hóa khâu phân phối
Ngoài nguyên nhân thiếu thông tin về thị trường, ở một khía cạnh khác, theo chia sẻ của nhiều nhà sản xuất cũng như một số DN kinh doanh nông sản sạch, sở dĩ tỉ lệ hàng nông sản sạch tại kênh bán lẻ hiện đại quá khiêm tốn như hiện nay còn là bởi họ bị các đơn vị phân phối chèn ép khi đưa ra mức chiết khấu quá cao. Chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng được mức “chèn ép” đó thì mới có thể đưa sản phẩm của mình chen chân vào siêu thị.
Đánh giá về thị trường cho nông sản Việt, ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam cho rằng: Không chỉ xuất khẩu, ngay tại thị trường nội địa với 100 triệu dân vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là trong khâu phân phối, chia sẻ lợi nhuận giữa các khâu. Tôi là người mở siêu thị đầu tiên, hàng hóa chỉ cần 30 phút kiểm tra là vào được siêu thị, mức chiết khấu bình quân 12,8%; trong khi ở Việt Nam tại nhiều hội nghị liên kết cung cầu, rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất cập khi đưa hàng vào siêu thị.
Cùng với đó, nhiều siêu thị có doanh số bán lớn, có sức ép lớn có quyền quyết định; 6 người gửi rau vào chỉ có một người được chọn, mức chiết khấu lên đến 30%, trong đó cứng 20%, mềm 10%. Chưa kể, đến đòi tiền, có khi còn “kế toán đi vắng”. Đây là một hình thức chiếm dụng vốn, rất đáng báo động cho khâu phân phối. Nếu không cải thiện sẽ làm triệt tiêu nhuệ khí của nông sản Việt.Bên cạnh đó, chúng ta chưa có luật hóa trong khâu phân phối. Trong khi đó,Thái Lan quy định 70% lợi nhuận là của người trồng nhưng tại Việt Nam, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi.
Việc nông sản Việt bị lép vế không những gây ra các nguy cơ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn một nguy cơ khác là, khả năng nông sản Việt mất sân nhà khi không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại. Nếu hàng hóa trong nước không thể “chen chân” vào các kênh bán lẻ hiện đại thì liệu có giữ được thị trường trong nước hay sẽ nhường “sân” cho sản phẩm hữu cơ của nước ngoài? Vì vậy, các ngành chức năng, địa phương phải có những chính sách phù hợp cùng với sự điều tiết hợp lý để bảo vệ nông dân và nhà sản xuất.