Cục Hàng không yêu cầu dừng bán vé, hoàn trả tiền vé bay nội địa

11:50 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không ngừng hoạt động bán vé nội địa, hoàn trả toàn bộ các vé bay được bán ra sau 21/7.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi tổng công ty Hàng không Việt Nam; các công ty cổ phần hàng không: Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành vẫn phức tạp, các địa đang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc cao hơn của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của bộ GTVT trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng, cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện việc dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.

Cục cũng yêu cầu các hãng hoàn trả tiền cho hành khách theo đúng kênh hành khách đã thực hiện việc thanh toán vé trên các chuyến bay nội địa được xuất từ sau ngày 21/7 cho đến khi có thông báo mới.

Hiện, trên trang web các hãng hàng không vẫn đang mở bán vé một số chặng bay nội địa. Đơn cử như Vietnam Airlines, hãng mở bán chặng Hà Nội - TP.HCM từ ngày 15/9 với giá vé thấp nhất 800.000 đồng/chặng hạng phổ thông. Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đang mở bán vé chặng Hà Nội - TP.HCM từ ngày 16/9.

Cục Hàng không yêu cầu dừng bán vé, hoàn trả tiền vé bay nội địa - ảnh 1

Cục Hàng không yêu cầu các hãng dừng mở bán vé máy bay nội địa.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu Kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không đi, đến các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam, là căn cứ để các đơn vị liên quan, người làm trực tiếp thực hiện đúng các quy định, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Việc kiểm soát thực hiện theo nguyên tắc về quy trình kiểm tra y tế của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay.

Cán bộ, người lao động làm việc tại các cảng hàng không, sân bay, tham gia trực tiếp và gián tiếp phục vụ chuyến bay thực hiện nghiêm túc quy định về trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc…

Thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thành lập tại cảng hàng không, sân bay bao gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Cảng vụ hàng không, cảng hàng không, các hãng hàng không, công ty phục vụ mặt đất và các cơ quan, đơn vị liên quan khác hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, tuân thủ quy chế phối hợp đã ban hành.

Khi phát hiện hành khách có các triệu chứng, biểu hiện của bệnh Covid-19 thì nhanh chóng cách ly hành khách và thông báo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tại cảng hàng không thực hiện các quy trình kiểm soát dịch bệnh được công bố như chuyển khách về các khu cách ly hoặc các bệnh viện.

Việc kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra khai báo y tế điện tử, giấy chứng nhận sức khỏe được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và CDC địa phương.

Hàng không thiệt hại nặng nề vì đại dịch

Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.

Đợt dịch Covid-19 lần 3 bùng phát dịp tết năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

 Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỷ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020. Tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

P.Giang (T/h)