Cuộc chiến toàn cầu giành nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chất bán dẫn (chip) tiên tiến, để phục vụ tham vọng địa kinh tế và địa chính trị của chính nước này. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đang nỗ lực giành lại vị trí thống trị mà hai nước đã nắm giữ vào giữa những năm 1980, trước khi để mất thị phần vào tay Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Mặc dù theo đuổi các chiến lược riêng, nhưng các quốc gia đều có chung một mục tiêu là khẳng định ảnh hưởng của mình đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Kết quả cuối cùng của “cuộc đua” sẽ được quyết định nhờ khả năng ai đảm bảo được lực lượng lao động lành nghề cần thiết, để có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này?
Thiếu hụt nhân lực đã trở thành một yếu tố quan trọng, tác động tới sự thành công của các chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia. Ví dụ, để có thể vươn lên là “người dẫn đầu” ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, Mỹ sẽ phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành này, để có thể đạt được con số dự kiến là 146.000 người vào năm 2029.
Hiện nay, mỗi năm, chỉ có 1.500 kỹ sư mới gia nhập vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Sự thiếu hụt lao động kỹ năng đã và đang làm chậm lại các dự án sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ và một số quốc gia khác.
Chính sự thiếu hụt lao động lành nghề đã “châm ngòi” cho một cuộc cạnh tranh thu hút các kỹ sư công nghệ trên toàn cầu. Các quốc gia tích cực “lôi kéo” kỹ sư giàu kinh nghiệm từ những nơi khác, bằng những lời chào mời tăng lương, tăng chế độ ưu đãi, hợp đồng dài hạn và thậm chí cho phép nhập cư theo diện tay nghề… Giữa bối cảnh đó, nguồn cung lao động lành nghề từ Hàn Quốc đã nổi lên, thu hút sự chú ý toàn cầu.
Các kỹ sư chuyên về công nghệ bán dẫn của Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc đưa nước này vươn lên vị trí đứng đầu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là về chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) - một loại bộ nhớ tiên tiến được thiết kế để cung cấp cả băng thông cao và mức tiêu thụ điện năng thấp, thường được dùng trong các bộ vi xử lý đồ họa, cung cấp năng lượng cho các hệ thống chip trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới như ChatGPT - và trong hoạt động gia công chip (tức là chịu trách nhiệm thực hiện giai đoạn trước của quy trình sản xuất chất bán dẫn, dựa trên các dữ liệu thiết kế của khách hàng).
Cuộc cạnh tranh giành tài năng công nghệ Hàn Quốc bắt đầu với sáng kiến “Made in China 2025” của Trung Quốc. Cường quốc châu Á có tham vọng đạt được khả năng tự chủ về sản xuất chip. Chuyên môn cao của các kỹ sư Hàn Quốc là yếu tố quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ trong hoạt động sản xuất chip tiên tiến. Điều này làm phát sinh những lo ngại về khả năng rò rỉ công nghệ của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những lo ngại nghiêm trọng hơn đã xuất hiện, liên quan đến Mỹ - cường quốc bị mất dần vị trí dẫn đầu lĩnh vực sản xuất chip vào tay các nước Đông Á và là một đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Mỹ đã công bố kế hoạch giành lại thị phần bán dẫn của mình trên trường quốc tế và đang cung cấp nhiều ưu đãi cho các công ty trong nước để đạt được mục tiêu này.
Micron, một công ty chuyên sản xuất các thiết bị chip nhớ của Mỹ, từ lâu đã bị “bỏ xa” bởi các đối thủ Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix. Công ty này nhận được một khoản trợ cấp đáng kể theo Đạo luật CHIPS và Khoa học để tăng cường khả năng cạnh tranh. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ, Micron gần đây đã thuê một số kỹ sư chủ chốt từ cả hai công ty Hàn Quốc nói trên.
Tương tự, Intel, công ty gia công chip hàng đầu của Mỹ đang tích cực tuyển dụng các kỹ sư và nhà nghiên cứu người Hàn Quốc, vốn nổi tiếng trong hoạt động gia công chip bán dẫn. Một số kỹ sư đã được Intel thuê, trước đây làm việc cho Samsung. Đây chính là nguyên nhân gây ra những lo ngại đáng kể ở Hàn Quốc về khả năng “chảy máu chất xám” và rủi ro rò rỉ công nghệ.
Các công ty Mỹ không chỉ nhắm mục tiêu vào các kỹ sư và nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm của Hàn Quốc, mà còn tập trung thu hút các tài năng mới của nước này. Một số ý kiến cho biết các công ty bán dẫn Mỹ cố gắng thu hút tài năng công nghệ Hàn Quốc khi cuộc cạnh tranh bán dẫn trở nên khốc liệt hơn và nhu cầu về chuyên môn trong hoạt động sản xuất chip tăng lên ở Mỹ. Rõ ràng, Mỹ đang thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến chính cho các chuyên gia công nghệ Hàn Quốc.
Nhu cầu về các kỹ sư công nghệ của Hàn Quốc cũng đang tăng lên ở Nhật Bản. Nước này đã đưa ra một số kế hoạch cụ thể, cùng tham vọng công khai là giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chip. Japan Advanced Semiconductor Manufacturing - liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và TSMC được sự hậu thuẫn của chính phủ Nhật Bản - đã bắt đầu tuyển dụng các kỹ sư Hàn Quốc thông qua các cổng việc làm định hướng thanh niên ở Hàn Quốc, sau khi tuyên bố thiếu hụt lao động kỹ năng trong nước.
Tiếp theo, Rapidus - nhà sản xuất chip được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn - cũng đã bắt đầu tuyển dụng tài năng Hàn Quốc bằng cách cung cấp mức lương, thưởng hấp dẫn. Trọng tâm của Nhật Bản là nhắm đến lực lượng lao động công nghệ cao tại quốc gia láng giềng có sự gần gũi về địa lý và cách thức hoạt động, đồng thời sở hữu chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực gia công chip tiên tiến.
Để đối phó với tình trạng “chảy máu chất xám” Hàn Quốc đã khởi động các nỗ lực để giữ chân lực lượng lao động lành nghề trong nước. Đáng chú ý, mặc dù là cường quốc dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nhưng giống như các cường quốc công nghệ khác, quốc gia Đông Á cũng phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này. Các công ty lớn như Samsung và SK Hynix vẫn đang nỗ lực để lấp đầy các vị trí có tay nghề cao, với nhu cầu vượt xa nguồn nhân lực hiện có.