Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ‘là không thể đo lường được’
Carmen Reinhart, giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Harvard nhận định, trước hết, đại dịch sẽ đặt câu hỏi về lợi ích và chi phí của việc toàn cầu hóa, làm tăng thêm nghi ngờ về chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến chúng trở nên địa phương hơn. Mọi người sẽ ngại du lịch nước ngoài, cũng như lo lắng về các mặt hàng thiết yếu và khả năng phục hồi trong nước.
Joseph Stiglitz, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia, người nhận giải thưởng Nobel về kinh tế, nói thêm rằng sau khi đại dịch kết thúc, các quốc gia sẽ cần tạo ra hệ thống tài chính toàn cầu với triển vọng dài hạn và khả thi hơn. Ông nói: "Các nước sẽ phải tìm một sự cân bằng bền vững hơn giữa lợi ích của toàn cầu hóa và dựa vào sự tự lực cần thiết."
Theo Adam Posen, Chủ tịch Viện kinh tế thế giới Peterson, đại dịch sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng trì trệ lâu dài và khoảng cách giữa các nước giàu và phần còn lại của thế giới. Lĩnh vực tài chính và thương mại sẽ phụ thuộc quá mức vào USD, điều này sẽ "làm tăng sự bất mãn, không hài lòng."Ngoài ra, trong tương lai, "chủ nghĩa dân tộc kinh tế" sẽ dẫn đến thực tế là các quốc gia sẽ ngày càng tự cô lập các nền kinh tế của họ khỏi thế giới bên ngoài.
Về phần mình, Adam Tuz, giáo sư lịch sử và giám đốc Viện châu Âu tại Đại học Columbia, nhấn mạnh rằng những hậu quả chưa từng có và thảm khốc của cuộc suy thoái đã bắt đầu "là không thể đo lường được." Theo dự báo của giáo sư Tuz, sau đại dịch, "nhiều cửa hàng sẽ không còn mở và công việc làm sẽ bị mất mãi mãi."
Còn Laura Andrea Tyson, giáo sư tại Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California, Berkeley, lưu ý rằng đại dịch sẽ kéo theo sự thay đổi kinh tế lớn. Do đó, các quá trình số hóa và tự động hóa tại nơi làm việc sẽ tăng tốc, nhiều công việc có kỹ năng trung bình sẽ biến mất, thành phần GDP sẽ thay đổi và thúc đẩy sự tăng trưởng của việc làm không quy cách và bấp bênh. Bà phân tích rằng khi nền kinh tế bắt đầu tăng, nhu cầu sẽ tăng đối với cảnh sát, lính cứu hỏa, bác sĩ, hậu cần và các nhân viên của ngành dịch vụ quan trọng khác. Bà nói thêm: "Trong những lĩnh vực đó, sẽ xuất hiện vị trí tuyển dụng mới, tiền lương sẽ tăng lên và nhiều lợi ích khác nhau sẽ mở rộng.".
Trong sự suy thoái kinh tế trầm trọng và nhanh chóng này, nước Mỹ hiện tại đã hoàn toàn khác so với một tháng trước. Các cuộc gặp gỡ xã hội bị hạn chế, phần lớn người dân Mỹ phải ở nhà. Nhà hàng, khách sạn, nhà máy và một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Việc dừng hoạt động đột ngột này khiến các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ trải qua sự thu hẹp trên diện rộng lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích dự đoán, sẽ có khoảng 20 triệu người thất nghiệp trong tháng 7.
Thông thường, số liệu về sự gia tăng các hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp là một chỉ báo mà các nhà kinh tế dựa vào để báo hiệu cho khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ. Lần này chỉ báo này đã tăng nhanh đến mức các nhà kinh tế đã đưa ra về kịch bản kinh tế Mỹ đang bị tổn thương nặng và bước vào giai đoạn suy thoái.
Hai nền kinh tế hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương là Hàn Quốc và Nhật Bản bị tác động nặng nề. Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết kinh tế nước này bộc lộ dấu hiệu "suy giảm sâu" trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa làm đình trệ các doanh nghiệp toàn cầu và tác động tới nhu cầu tiêu dùng. Tổng sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc đã suy giảm ở mức cao nhất trong chín năm trong tháng Hai. Trên thị trường tài chính, giá cổ phiếu, giá trị đồng won, lãi suất trái phiếu Chính phủ đều giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng cao.
Trong khi đó tại Nhật Bản, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn đang trên bờ vực suy thoái, khi các biện pháp giãn cách xã hội buộc người dân phải ở nhà và chi tiêu ít hơn. Hiroshi Ugai, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty JPMorgan Securities Japan, cho rằng dù các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm vẫn giữ giá, song nhìn chung Nhật Bản ngày càng có nguy cơ quay trở lại tình trạng giảm phát. Chuyên gia này cảnh báo giá một loạt hàng hóa sẽ bắt đầu giảm xuống vào mùa Thu này, đồng thời dự đoán kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm 4% trong năm nay.
Tại Trung Đông, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Trung Đông trong tháng 4/2020, các chuyên gia IMF nhấn mạnh: Hầu hết tất cả các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) sẽ trải qua thời kỳ kinh tế suy giảm khi nguồn thu sụt giảm hàng trăm tỷ USD.
Theo IMF, cùng với việc giá dầu giảm mạnh, những ảnh hưởng về kinh tế đối với các nước MENA có thể kéo dài. Đây cũng là căn cứ để IMF dự báo trong năm 2020, kinh tế khu vực sẽ suy giảm khoảng 3,3% - mức giảm lớn nhất trong bốn thập kỷ qua.
IMF cho rằng "cú sốc" dịch bệnh và giá dầu giảm mạnh sẽ khiến kinh tế các nước Arab - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, mất nguồn thu khoảng 323 tỷ USD, tương ứng 12% quy mô nền kinh tế các nước này. Dự báo, trong năm nay, nợ công của các nước Arab cũng sẽ tăng 15%, tương ứng 190 tỷ USD, lên 1.460 tỷ USD. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách của các nước trong khu vực chiếm tới 2,8-10% GDP.