Đại gia Kinh Đô tái xuất trở lại sau hơn 5 năm bán thương hiệu bánh kẹo số 1 Việt Nam cho ông lớn Mỹ

12:07 | 20/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hơn 5 năm bán thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô số 1 Việt Nam cho Mondelēz International thu về 8.000 tỷ đồng, đại gia Kinh Đô đã tái cấu trúc thành công Tập đoàn Kido cùng nhiều dự tính lớn để trở lại mạnh mẽ hơn.
Tập đoàn Kido (KDC) - tên gọi mới sau khi bán đi mảng bánh kẹo - của anh em đại gia Trần Kim Thành vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt hơn 8,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ dầu ăn chiếm tỷ trọng lớn, hơn 84% và tăng 25,1%. Ngành hàng lạnh lớn thứ 2 chiếm 15,1% doanh thu, còn các ngành khác chiếm tỷ trọng rất ít.
 
Đại gia Kinh Đô tái xuất trở lại
Thương hiệu mới của Tập đoàn Kido gắn liền với mảng kinh doanh dầu ăn và mỳ gói từ năm 2015

Kido từng là công ty bánh kẹo lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng với thương hiệu Kinh Đô trước khi tập đoàn này bán lại mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelez vào giai đoạn 2015-2016.

Được thành lập từ năm 1993 bởi doanh nhân gốc Hoa Trần Kim Thành, bánh kẹo Kinh Đô sau 20 năm đã trở thành thương hiệu gắn bó đặc biệt với người tiêu dùng Việt Nam với những câu khẩu hiệu như "Thấy Kinh Đô là thấy Tết".

Sau thương vụ với Mondelez, Kido bắt đầu tham gia vào ngành thực phẩm thiết yếu, với trọng tâm là các sản phẩm dầu ăn, thông qua việc mua lại các tên tuổi như Tường An (2016), Vocarimex (2016-2017), Golden Hope - Nhà Bè (2017-2018) và nhanh chóng trở thành công ty lớn thứ hai trong ngành dầu ăn với thị phần khoảng 30% vào năm 2019.
 
Đại gia Kinh Đô tái xuất trở lại
Ông Trần Kim Thành (phải) và ông Tim Cofer của Mondelēz International trong thương vụ hợp tác đầu tư. Ảnh: Người tiêu dùng

Trong khi đó, Công ty thực phẩm đông lạnh của Kido là Kido Foods duy trì vị thế dẫn đầu của mình trong ngành kem với thị phần toàn quốc là 41% trong năm 2019.

Trong 2020, KDC ghi nhận lợi nhuận tăng 47% lên 418 tỷ đồng. Ngành hàng mang lại lợi nhuận chính cho Tập đoàn Kido là dầu ăn nhờ một loạt các vụ M&A trong các năm vừa qua, với những thương vụ đình đám như Dầu ăn Tường An…

Điểm nổi bật trong 2020 chính là quyết định quay trở lại ngành hàng bánh kẹo sau 5 năm bán thương hiệu Kinh Đô cho Mondelēz International. Bánh kẹo chính là sản phẩm đưa KDC từ một công ty gia đình thành lập năm 1993 vào nhóm những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng sau hơn 2 thập kỷ.

KDC cũng đã công bố thông tin hợp tác liên doanh với Vinamilk chuyên sản xuất kinh doanh nước giải khát, sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.
 
Đại gia Kinh Đô tái xuất trở lại
CEO Tập đoàn Kido - Ông Trần Lệ Nguyên

Thời điểm đó, KDC đã phát hành cổ phiếu sáp nhập hãng kem Merino. Việc sáp nhập Kido Foods (KDF) được xem là cách thức để Kido Group tập trung nguồn lực để hỗ trợ hãng sản xuất kem (với nhãn hiệu Merino).

Số liệu từ Euromonitor International, thị phần kem của KDC tiếp tục gia tăng và đã lên tới khoảng trên 43%, với các nhãn hiệu kem nằm trong top 10 như là Merino, Celano và Wel Yo.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều hoạt động mua bán sáp nhập để phát triển quy mô như trường hợp PAN của ông Nguyễn Duy Hưng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1, VN-Index giảm 60,94 điểm xuống 1.131 điểm; HNX-Index giảm 6,48 điểm xuống 224,02 điểm. Upcom-Index giảm 2,4 điểm xuống 76,15 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 25,2 nghìn tỷ đồng.
 
Hải Yến