Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (thứ 5 bên phải)
chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Sáng 21/9 tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam (TP. Phủ Lý), lễ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức trọng thể. Đây là Đảng bộ trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự và chỉ đạo Đại hội.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng… cùng nhiều Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Bí thư và Phó Bí thư các tỉnh, thành phố dự phiên khai mạc Đại hội.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng tham dự sự kiện đặc biệt này.
Tham dự Đại hội có 322 đại biểu chính thức đại diện cho 50.604 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Hà Nam.
Chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 được xác định là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ”.
Tại phiên khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, khái quát những kết quả tỉnh Hà Nam đạt được trong 5 năm qua trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; chỉ rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Trên cơ sở phân tích những nhân tố tác động đến tỉnh Hà Nam những năm tới, Báo cáo xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm 2020-2025.
Về mục tiêu tổng quát, Báo cáo nêu rõ: “Tăng cường đoàn kết xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ”.
Báo cáo cũng xác định các mục tiêu, khâu đột phá, chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội, môi trường, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng Đảng của kế hoạch 5 năm 2020-2025 và đề ra phương hướng, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn trên các lĩnh vực.
Theo đó, Hà Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2025 đạt 10,7%; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 117 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp chiếm 6,3%, công nghiệp- xây dựng chiếm 65,2%, dịch vụ chiếm 28,5%. Đến năm 2021 cơ bản tự cân đối ngân sách, năm 2025 có điều tiết về ngân sách Trung ương…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Từ mục tiêu tổng quát như trên, Hà Nam xác định 3 nhiệm vụ đột phá.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trong tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Để thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh đã đề cập giải pháp thực hiện.
Bên cạnh giải pháp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhóm giải pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được chỉ rõ.
Theo đó, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phấn đấu giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng bình quân 2%/năm; đến 2025, ngành nông nghiệp chiếm 5,6% tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh, chăn nuôi-thủy sản chiếm 55%, trồng trọt-lâm nghiệp chiếm 35%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 10% trong cơ cấu nội bộ ngành. Phấn đấu đến 2025, giá trị sản phẩm/diện tích canh tác đạt 150 triệu đồng/ha/năm…
Giải pháp thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao tạo động lực tăng trưởng nhanh, bền vững.
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,5%/năm; đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 221.000 tỷ đồng.
Giải pháp thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh tra, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Với niềm tin tưởng sâu sắc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Hà Nam tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đưa Hà Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam/Báo Hà Nam