Đảm bảo chi NSNN: Cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, công tác phí

15:50 | 10/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là đề xuất vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra khi tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, sáng 10/4.

Đảm bảo chi NSNN: Cắt giảm 30% kinh phí hội nghị, công tác phí - ảnh 1
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tham gia hội nghị trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu Bộ Tài chính. Nguồn: Bộ Tài chính.
Tại điểm cầu Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tác động của tình hình dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng: Trước khó khăn của hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch COVID-19, dự báo nguồn thu NSNN năm 2020 sẽ giảm do do một số nguyên nhân như: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp; Giá dầu thô giảm sâu; Điều chỉnh chính sách thu NSNN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Trong bối cảnh dự báo thu NSNN có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN như:

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).

Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của NSĐP, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu NSĐP và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, NSTW sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực của mình để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.

Đối với cân đối NSTW, dự kiến dành 34,6 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí NSTW còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó dự kiến dành 20 nghìn tỷ đồng để cùng với NSĐP thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14,6 nghìn tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cân đối NSTW.

Sử dụng dự phòng NSNN triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách Trung ương và địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch COVID-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Trong điều kiện thu NSNN khó khăn, lại phải tăng chi để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6%GDP (tức là ở mức 5-5,1%GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi NSNN năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.

Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB,...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất.

Đảm bảo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công

Phát biểu khi tham dự Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

‘‘Bộ Tài chính cam kết đảm bảo đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên’’. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành và địa phương:

Theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư; yêu cầu các chủ dự án, nhà thầu tập trung các nguồn lực, trang thiết bị để triển khai dự án ngay sau khi hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện giải ngân vốn theo chế độ quy định. Quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, điều chỉnh vốn từ dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ tốt hơn.

Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi NSNN năm 2020.

Tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng

“Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp bổ sung khi cần thiết”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.