Đạm Hà Bắc càng làm càng lỗ, chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn

09:39 | 28/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lũy kế 9 tháng, Đạm Hà Bắc đạt hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng giai đoạn năm trước. Tuy nhiên, cũng như quý III, công ty bán sản xuất thấp hơn giá vốn, khiến lỗ gộp hơn 239 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc, 1 trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương tiếp tục chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn, càng làm càng lỗ.

VnExpress đưa tin, theo số liệu trong Báo cáo tài chính quý III/2020 của Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc, doanh thu và lỗ ròng trong 3 tháng gần nhất đạt 559 tỷ và gần 385 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu của Đạm Hà Bắc chỉ tương đương nhưng phần lỗ cao hơn gần gấp đôi.

Lý do lớn nhất là Đạm Hà Bắc đã lỗ ngay từ hoạt động kinh doanh chính. Giá vốn cao hơn doanh thu khiến công ty chịu lỗ gộp gần 104 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc càng làm càng lỗ, chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn - ảnh 1

 

Hay nói cách khác, Hà Bắc đang phải bán sản phẩm dưới giá vốn sản xuất ra. Cùng các khoản chi phí vận hành, đặc biệt là lãi vay hơn 240 tỷ đồng khiến công ty báo lỗ tăng mạnh. 

Lũy kế 9 tháng, Đạm Hà Bắc đạt hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng giai đoạn năm trước. Tuy nhiên, cũng như quý III, công ty bán sản xuất thấp hơn giá vốn, khiến lỗ gộp hơn 239 tỷ đồng.

Chi phí tài chính 9 tháng đạt gần 700 tỷ đồng khiến áp lực tài chính tiếp tục tăng. Trong đó, riêng chi phí lãi vay đạt 681 tỷ đồng, cao hơn 13% so với năm ngoái. Kết quả là Đạm Hà Bắc lỗ ròng gần 1.078 tỷ đồng trong 9 tháng năm nay, hơn gấp đôi khoản lỗ trong cùng giai đoạn năm 2019.

Đến cuối quý III/2020, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc còn hơn 8.800 tỷ đồng, chủ yếu hình thành nhờ nợ phải trả, trong khi vốn chủ sở hữu đã âm gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ, so với vốn điều lệ hơn 2.700 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. Được xem là "đứa con đầu lòng" của ngành sản xuất đạm Việt Nam, nhưng Đạm Hà Bắc bắt đầu rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015.

Theo giải thích trước đó của ban lãnh đạo công ty, kết quả kinh doanh thua lỗ là do diễn biến trái chiều của giá khí (dầu mỏ) và giá than - 2 nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân đạm (tùy theo công nghệ, thiết bị được lựa chọn) - được xem là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bất lợi của nhà máy chạy than như Đạm Hà Bắc.

Cuối tháng 5 vừa qua, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Báo Đầu tư cho biết, theo kết luận thanh tra, Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...). Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến công ty không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 568 triệu USD, trong đó tỷ lệ vốn tự có của Đạm Hà Bắc chỉ chiếm hơn 17% tổng mức đầu tư, số còn lại là vốn vay chiếm hơn 82%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.

Ngoài ra, khi dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư năm 2009, Đạm Hà Bắc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Vinachem thẩm định, phê duyệt. Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc điều chỉnh này là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. 

Lệ Vỹ