Dân số già hóa nhanh: Cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt

09:41 | 25/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dân số già hóa nhanh là thách thức rất lớn nếu không duy trì được tăng trưởng và tăng thu nhập bình quân, tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt…

Gánh nặng dân số già nhanh nhưng không khỏe

 
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở (TĐTDS) 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.
 
 
Dân số già hóa nhanh: Cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt - ảnh 1
 Ảnh minh họa
 
Năm 1960, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 48,0 tuổi, của dân số Việt Nam là 40,0 tuổi, thấp hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 8 tuổi, nếu tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì cần khoảng 80 năm để tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên bằng mức chung của thế giới. Năm 2019, tuổi thọ bình quân của dân số thế giới là 72,0 tuổi, của dân số Việt Nam đã là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Nếu cũng tính theo mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1 tuổi/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn dân số thế giới khoảng 16 năm. Như vậy tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm.
 
Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm tổng điều tra dân số năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người/hộ, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số hộ dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua. Quy mô hộ ít người sẽ là một trong những thách thức lớn cho mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng.
 
Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính phản ánh bức tranh tổng quát về sự biến đổi dân số và được mô tả bằng tháp dân số. Tháp dân số không chỉ cung cấp các thông tin khái quát về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số vào thời điểm xác định mà còn sử dụng để đánh giá sự chuyển dịch cấu trúc dân số qua các năm; bề rộng của nhóm tuổi trẻ nhất (đáy tháp) phản ánh sự tăng hay giảm của mức sinh so với những năm trước, trong khi bề rộng của nhóm tuổi cao nhất (đỉnh tháp) phản ánh sự thay đổi hay xu hướng già hóa dân số. Tháp dân số so sánh giữa 2009 và 2019 cho thấy, những thanh trên đỉnh của tháp dân số 2019, từ nhóm 70-74 tuổi trở lên cho thấy rõ xu thế tăng lên, điều này khẳng định xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam.
 
PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Chính sách công và Quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) trả lời VnExpress về thách thức khi Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già.
 
Theo ông Long, cơ cấu dân số vàng là trẻ em (0-14 tuổi) nhỏ hơn 30%, người trên 65 tuổi nhỏ hơn 15% tổng dân số. Dân số già khi số người trên 65 tuổi chiếm hơn 10%; dân số rất già khi người trên 65 tuổi chiếm hơn 20%; dân số siêu già khi người trên 65 tuổi chiếm hơn 30%.
 
Ở Việt Nam, quá trình già hóa dân số (khi tỷ lệ người già trong cơ cấu dân số tăng nhanh) bắt đầu từ cuối những năm 1980, sau 5 thập kỷ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, cả nước đã thành công trong mục tiêu giảm sinh. Nếu năm 1979, trung bình một phụ nữ có 3,5 con, nhưng sau 10 năm chỉ còn 2,6. Đến năm 2019, tổng tỷ suất sinh (số con của một phụ nữ) chỉ còn 2,09, thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 (trung bình mỗi phụ nữ có 2,1 con).
 
Tuổi thọ của người Việt Nam những năm gần đây được cải thiện rất nhanh, nên số người cao tuổi tăng nhanh. Là nước thu nhập trung bình thấp nhưng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam gần 74.
 
Trong 10 năm qua, dân số cả nước tăng 11 triệu thì đồng thời số người già cũng tăng gần 4 triệu. Đây là mức tăng dân số già rất cao so với các nước trong khu vực, gần bằng Thái Lan. Cả nước hiện có 11,4 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm gần 12% dân số. Chỉ số già hóa tăng từ 36% năm 2009 lên gần 49% năm 2019.
 
Từ năm 2026, tỷ trọng người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 10%, Việt Nam chấm dứt cơ cấu dân số vàng tồn tại từ năm 2007 và bước vào thời kỳ dân số già. Đến năm 2039, số người hơn 65 tuổi sẽ chiếm hơn 15% tổng dân số và kéo dài đến năm 2054. Từ năm 2054 là dân số rất già.
 
Đánh giá về ảnh huonwgr của dân số già đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Viện trưởng Chính sách công và Quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết: Hiện Việt Nam mới là nước có thu nhập trung bình thấp nên dân số già hóa nhanh là thách thức rất lớn nếu không duy trì được tăng trưởng và tăng thu nhập bình quân.
 
Một thách thức nữa là tuổi thọ trung bình cao nhưng chỉ số tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam còn thấp, số năm ốm đau, bệnh tật nhiều. Tuổi thọ trung bình người Việt Nam cao bằng Thái Lan, Malaysia, nhưng số năm ốm đau trung bình của một người thì nhiều hơn. Chúng ta sống thọ nhưng không khỏe.
 
Thu nhập chủ yếu của người già ở Việt Nam hiện nay phần lớn dựa vào sức lao động của họ (30%), dựa vào con cháu (30%). Số người sống bằng các nguồn lực an sinh xã hội như lương hưu, bảo hiểm xã hội... chỉ chiếm 20%. Đây là nguy cơ khi bước vào thời kỳ dân số già, số con trong các gia đình ít, nhưng phải chăm sóc nhiều người già. Nếu trước đây mỗi gia đình thường ba, bốn người con chăm sóc bố mẹ thì với xu hướng sinh ít con như hiện nay, sau này mỗi gia đình sẽ chỉ có một, hai người con chăm sóc bố mẹ. Đây là gánh nặng không nhỏ với những người trẻ, cũng đồng thời là lực lượng lao động chính của xã hội.
 
Thực trạng này đã xảy ra ở Trung Quốc, khi thực thi chính sách mỗi gia đình chỉ một con, thì cả gia đình gồm ông bà nội, ông bà ngoại, hai vợ chồng chăm một người con. Nhưng sau vài chục năm, đến lúc người con trưởng thành thì phải một mình lo toan cho năm, sáu người già. Đây là bài học cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
 
“Tôi cũng lo ngại thực trạng dân số già nhanh nhưng không khỏe. Dẫn chứng là số người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, xương khớp, tiểu đường... ngày càng phổ biến. Những bệnh này sẽ đeo bám cả đời, dẫn đến chi phí lớn khi dân số già nhanh, tạo nên gánh nặng về bệnh tật cho xã hội”, ông Long nói.
 

Cơ hội để doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội

 
Thực tế, già hóa dân số là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Thí dụ, để chăm sóc người cao tuổi, tất cả các vấn đề từ giáo dục, đào tạo, an sinh, xã hội, y tế, kinh tế... đều cần có những phát triển riêng. Sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến người cao tuổi như thiết kế xây dựng nhà ở, đường sá, các phương tiện hỗ trợ người già, đào tạo cho điều dưỡng, bác sĩ... để phục vụ đối tượng này. Theo đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực để phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi. Do đó, người cao tuổi, cũng là đối tượng góp phần phát triển kinh tế xã hội.
 
Dân số già hóa nhanh: Cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt - ảnh 2
 Già hóa dân số tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp biết nắm bắt.
 
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Tại Úc, có những Tập đoàn lớn với khoảng tám công ty con phục vụ những nhu cầu rất riêng cho người cao tuổi và hiện đã được xuất khẩu công nghệ này sang Trung Quốc. Bộ Y tế cũng đã triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và khuyến khích các doanh nghiệp và tư nhân cùng tham gia, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn.
 
GS, TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, trong việc tạo dựng môi trường xã hội hướng tới già hóa năng động, người cao tuổi có vai trò quyết định; doanh nghiệp có vai trò cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với người cao tuổi; gia đình và cộng đồng có vai trò hỗ trợ người cao tuổi đáp ứng được nhu cầu của mình; nhà nước có vai trò xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi.
 
GS, TS. Nguyễn Đình Cử đưa ra các nhóm sản phẩm và dịch vụ cho người già, bao gồm 9 nhóm sản phẩm: (1) Đáp ứng nhu cầu cơ bản của người cao tuổi, bao gồm: bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ và thích hợp, quần áo, nhà ở, an toàn, chăm sóc y tế và chăm sóc dài hạn; (2) Học tập nâng cao trình độ và ra quyết định; (3) Vận động, đi lại; (4) Thông tin; (5) Thể thao; (6) Du lịch; (7) Giải trí; (8) Đồ uống có cồn; (9) Thuốc lá và các loại thuốc khác để hút khác.
 
Các nước phát triển, viện dưỡng lão tư nhân là mô hình kinh doanh có lợi nhuận và cũng rất cạnh tranh. Nhiều dự án đầu tư viện dưỡng lão tại Việt Nam đang tích cực thay đổi, tìm kiếm mô hình đầu tư và hoạt động thích hợp với tình hình thực tế. Cùng lúc đó, chăm sóc người cao tuổi cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư ngoại.
 
Minh Hoa