Đâu sẽ là ứng cử viên sáng giá khi ngân hàng được nới 'room' ngoại lên 49% theo EVFTA?
Theo báo cáo chiến lược năm 2022, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng có thể nới trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) tại một số ít NHTM cổ phần tư nhân thay vì thay đổi quy định về nới room (tỷ lệ sở hữu) ngoại đối với các ngân hàng quốc doanh.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các NHTM Nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.
Theo VCSC, ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này là Sacombank vì hiện tại 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Các chuyên gia cho rằng việc bán 32,5% này trong một lần sẽ tính đem lại giá trị cao nhất cho giá cao nhất cho VAMC, và bởi vì số cổ phần này vượt quá ngưỡng FOL 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng, việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA .
Trong năm 2021, trần sở hữu nước ngoài tối đa đối với các ngân hàng Việt Nam không có sự thay đổi. Báo cáo Chiến lược năm 2021 của VCSC từng kỳ vọng Nghị quyết 161 của Chính Phủ sẽ tạo khuôn khổ để Chính phủ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng quốc doanh từ 65% còn khoảng từ 50% đến dưới 65%.
Tại thời điểm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn dự thảo văn bản thay thế Quyết định 58. Theo đó, đối với doanh nghiệp Nhà nước, sẽ phân loại lại các ngân hàng (không phải là công ty bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, tài chính và cho thuê tài chính) vào nhóm do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Do đó, các NHTM Nhà nước sẽ được hưởng lợi - đặc biệt là VietinBank, NHTM Nhà nước duy nhất có tỷ lệ sở hữu Nhà nước hiện đang ở gần giới hạn tối thiểu 65%.
Song, việc ban hành Quyết định 22 của Chính phủ, chính thức thay thế Quyết định 58, yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các NHTM Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, VCSC không kỳ vọng có sự nới room ngoại cho các Big4 trong ngắn hạn.
Ngoài ra, các ngân hàng 0 đồng hiện đang chịu sự quản lý của NHNN (hiện có 3 ngân hàng 0 đồng: CB Bank, GP Bank và Ocean Bank) không phải là ứng cử viên rõ ràng cho cam kết EVFTA vì Thông tư 38 của NHNN đã cho thấy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 30% cổ phần của một ngân hàng 0 đồng khi có sự chấp thuận của Chính phủ từ năm 2014. Tuy nhiên, đã không có người mua nào cho tới thời điểm này, VCSC nhận định.
Vào đầu năm 2021, 7 ngân hàng đã công bố hoặc tái khẳng định ý định tăng vốn cổ phần mới thông qua phát hành riêng lẻ bao gồm: BIDV, Vietcombank, VPBank, MB, TPBank, VIB và LienVietPostBank.Tuy nhiên, chỉ có TPBank hoàn thành kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ.
Nhóm chuyên gia dự báo cho Vietcombank, VPBank và LienVietPostBank sẽ huy động thành công vốn cổ phần mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành ước tính là 59.900 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD).
Công ty chứng khoán cũng cho rằng MB sẽ tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (tương đương 1,82% cổ phần sau phát hành) với giá 15.900 đồng/cp trong quý IV/2021. Tuy nhiên, giao dịch này đã được chuyển sang năm 2022.