Đầu tư công nghệ hướng đi bền vững cho doanh nghiệp chế biến

16:05 | 12/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đầu tư cho công nghệ, đi theo hướng đi mới hoàn toàn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam cần nghiên cứu và đầu tư ngay.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 2.756, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số daonh nghiệp trong ngành nông nghiệp lên con số 12.581 doanh nghiệp. Dù con số này chỉ chiếm tỉ lệ chưa đến 10% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, song có thể thấy, các doanh nghiệp đã và đang ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2019, dù số doanh nghiệp ngưng hoạt động khá nhiều song nông nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn so với lượng tạm ngừng.

Đầu tư công nghệ hướng đi bền vững cho doanh nghiệp chế biến - ảnh 1
 Đầu tư công nghệ hướng đi bền vững cho doanh nghiệp chế biến nông sản.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên phạm vi cả nước.
Đánh giá về vấn đề này, tại Toạ đàm trực tuyến “Chế biến nông sản thích ứng hội nhập giai đoạn mới” do BizLIVE tổ chức sáng 12/5, GS. TS Bùi Chí Bửu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam cho rằng, Việt Nam đang phát triển rất tốt về khâu sản xuất nên năng xuất phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, về công nghệ chế biến, chúng ta gặp bất cập về nguyên liệu, nhà máy, công nghệ chế biến chưa được hợp lý. Trong khi Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030 công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đạt 7-10% thì hiện nay chúng ta đã đạt được 5%.
Có thể thấy chiều sâu của chúng ta về khoa học còn rất yếu, về công nghiệp chế biến chúng ta đầu tư rất khiêm tốn, do vậy đó là nhược điểm khi mà chúng ta muốn đạt được tốc độ cao. Một nghịch lý nữa chúng ta đều thấy chúng ta xuất khẩu lúa đứng thứ nhì thế giới nhưng bà con nông dân còn rất nghèo. Doanh nghiệp chỉ chia sẻ phần nào thôi còn nhà nước vẫn phải đầu tư lớn, như vậy mới giải quyết được, ông Bửu nói.
Do đó, GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, hiện nay có rất nhiều chính sách nhưng đầu tư cho công nghệ là chính sách cần làm ngay để tăng khả năng cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt cho nông sản Việt Nam. Và sự khác biệt đó đến từ công nghệ hiện đại. Chính phủ nên có những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ. 
Đầu tư công nghệ hướng đi bền vững cho doanh nghiệp chế biến - ảnh 2
 GS.TS Bùi Chí Bửu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Luận, Founder Café trái cây Meet More, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cho rằng: Hiện nay, cà phê chúng ta 100% xuất thô, mà xuất thô thì gần như người nông dân không được lợi, vậy thì để nâng được giá trị lên chúng ta phải đầu tư cơ giới hóa vào khâu chế. Nếu chỉ xuất khẩu cà phê thô thì các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lòng vòng, chỉ mãi xuất khẩu thô. Vì thế, hướng đi mới cho các doanh nghiệp là nên chế biến những sản phẩm cà phê như cà phê trái cây Meet More. Như vậy, các sản phẩm sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường và hướng đi cho xuất khẩu. Đầu tư cho công nghệ, đi theo hướng đi mới hoàn toàn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam cần nghiên cứu và đầu tư ngay.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, liên quan đến những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo đó, từ tháng 1/2019, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch tái cơ cấu lại 13 sản phẩm, với quy định cụ thể, ngành nào, sản phẩm nào là chủ lực, gắn bó công nghiệp chế biến với công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Nghị định của Chính phủ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, có ngân sách ưu tiên lĩnh vực chế biến.
Tuy nhiên, để phát triển ngành chế biến, theo ông Toản, chúng ta cần phải có nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, với sự tham gia của các địa phương để tìm lợi thế so sánh của mình để phát triển vùng nguyên liệu, từ đó có sức hấp dẫn mời các doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh việc hình thành vùng chuyên canh, ông Toản nhấn mạnh việc đầu tư cho dây chuyền công nghệ cũng là vấn đề quan trọng. Người lao động cũng quan trọng không kém, trong hội nhập chúng ta phải tính đến lực lượng lao động. Việt Nam có tới 3 triệu lao động trong các doanh nghiệp chế biến tôm nhưng lực lượng lao động ở các vùng chuyên canh còn mỏng, do đó, cần xây dựng các chính sách, hạ tầng, môi trường sống tập trung cho người lao động ở các vùng chuyên canh. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên thì khó hình thành vùng chuyên canh lớn, khu công nghiệp chế biến công nghệ cao.