Xuất khẩu cuối năm: Doanh nghiệp chủ động thích ứng để giữ vững thị trường
Xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là chính sách thương mại đối ứng của Hoa Kỳ, cộng với xung đột tại nhiều khu vực tác động tới chuỗi cung ứng, vì vậy để tăng tốc về đích, các doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động thích ứng, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu.
Tận dụng cơ hội để tăng tốc
Trong nửa đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD. Đặt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, những kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm bắt các cơ hội để giữ vững thị trường.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp dệt may khá tốt, riêng Vinatex tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
“Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn tốc độ tăng trưởng của doanh thu điều này cho thấy giá bán hàng hóa 6 tháng đầu năm được cải thiện. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng lớn hơn, không bị chia cắt thành những đơn hàng nhỏ và ngắn như năm trước, do đó quy mô sản xuất và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp chủ động hơn,” ông Nguyễn Tiến Trường chia sẻ.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị các kế hoạch sản xuất-kinh doanh dài hơi hơn, để tăng tốc trên chặng đường về đích. Ông Phạm Văn Việt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean (VITAJEANS) chia sẻ nửa đầu năm 2025, doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 13%. Toàn bộ đơn hàng đi thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp đã xuất khẩu trước ngày 20/6, hiện doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng được thị trường này. Với các thị trường khác, đơn hàng của doanh nghiệp vẫn ổn định.

Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Không chỉ doanh nghiệp dệt may, nhiều ngành hàng khác cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong nửa đầu năm. Đơn cử, với Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), tổng tiêu thụ thép thành phẩm 6 tháng vừa qua đã tăng 20,1%, trong đó thép xây dựng tăng 29,8%, tôn mạ tăng 19,6%. Ngoài ra, sản lượng của Khối kim khí cũng ghi nhận nhiều điểm sáng khi tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2024
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, càphê là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản khi chỉ trong nửa năm 2025, xuất khẩu thu về 5,45 tỷ USD, gần cán đích xuất khẩu cho cả năm 2025.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Simexco Daklak cho biết mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3% về khối lượng nhưng tăng tận 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá càphê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5708,3 USD/tấn, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm 2024 là nguyên nhân đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2025.
“Vào vụ càphê của Việt Nam sản lượng không tốt, trong khi nguồn cung cầu của thế giới 6 tháng trước cũng bị hụt dẫn đến giá cà phê Arabica và Robusta tăng cao kỷ lục trên thị trường thế giới. Nhu cầu cà phê Robusta trên thế giới cũng tăng, do đó, xuất khẩu cà phê nửa đầu năm ghi nhận giá trị cao kỷ lục,” ông Lê Đức Huy chia sẻ.
Khai thác hiệu quả các thị trường chiến lược
Hiện nay, xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam với mức tăng 2 con số trong 6 tháng đầu năm 2025. Hơn nữa, thặng dư thương mại tiếp tục duy trì, góp phần ổn định cán cân thanh toán, tỷ giá, và hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy vậy, trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước năm 2025, cùng với dự báo những thách thức và cơ hội đan xen trong giai đoạn tới, tăng tốc xuất khẩu đang được các doanh nghiệp đặt mục tiêu cũng như đưa ra chiến lược cho 6 tháng cuối năm.
Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết những tháng cuối năm tín hiệu thị trường chưa thật sự khả thi, đặc biệt đối với mặt hàng sơmi. Theo đánh giá từ khách hàng, do người tiêu dùng đã mua nhiều trong thời gian trước vì lo giá tăng, nên nhu cầu tiêu dùng trong quý 3 và quý 4 dự kiến sẽ giảm từ 10% đến 20%. Mặt khác, với diễn biến khó lường của thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt các giải pháp để ứng phó.
“Hiện May 10 đang chủ động tìm kiếm và mở rộng nguồn cung nguyên liệu qua kết nối với các đơn vị thành viên trong tập đoàn, cũng như một số doanh nghiệp tại Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc)… Bên cạnh đó, tích cực triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, thị trường và khách hàng, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sớm cán đích các mục tiêu đề ra,” đại diện May 10 thông tin thêm.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean (VITAJEANS) cho biết doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư nhà máy nguyên phụ liệu ngay tại thị trường trong nước. Hiện doanh nghiệp đã mua 3 nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao vào các nhà máy này. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng tốc, mở rộng ra các thị trường Australia, Canada.
“Dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số mà doanh nghiệp đặt ra cho cả năm nay, tuy nhiên, dự kiến, cả năm, doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 8%,” ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hiện, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở rộng cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả các FTA, nhờ đó, xuất khẩu sang các đối tác FTA tăng trưởng tích cực. Ví dụ, EU tăng 12%, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trên 10,6%.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước những diễn biến phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Cụ thể là việc tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, thông qua việc nghiên cứu, đàm phán và ký kết hợp tác với các thị trường mới, đặc biệt với Hoa Kỳ, theo hướng công bằng, cân bằng và đối ứng, qua đó tạo môi trường thuận lợi và duy trì lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này, đồng thời tập trung khai thác hiệu quả các thị trường chiến lược và các FTA hiện có.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ chủ động theo dõi sát tình hình thế giới, kịp thời tham mưu phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả, đồng thời cảnh báo, khuyến nghị sớm cho doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng khi xuất hiện rủi ro, biến động tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, cũng như thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển logistics, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.