Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai

16:56 | 11/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 10 đã khai mạc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này. Tham dự hội nghị có khoảng 600 khách mời là đại diện ngành hàng lúa gạo từ các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, các công ty lớn về xuất khẩu, nhập khẩu gạo và các chuyên gia quốc tế về sản xuất, kinh doanh gạo...

Với thông điệp "Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai", các đại biểu, chuyên gia đã cùng nhau trao đổi và nhận định xu hướng toàn cầu về thương mại gạo, sản xuất lúa gạo trong năm 2018 và những năm tới. Đồng thời, nhận diện những cơ hội, thách thức cho sản xuất, xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, có những đề xuất, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh gạo thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.

Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai - ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 10. (Ảnh: Thành Chung)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới với lượng xuất khẩu trung bình hằng năm khoảng 5-6 triệu tấn gạo. Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 43-44 triệu tấn, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% về sản lượng.

Sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỉ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh việc tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam. Việc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 10 khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất gạo, đối với hợp tác quốc tế trong khu vực và toàn cần về sản xuất, kinh doanh gạo.

Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai - ảnh 2
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Anh: Thành Chung)

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, sản xuất lúa gạo và lĩnh vực thương mại gạo khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Song sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất nhiều sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong phối hợp với các tổ chức đối tác, các nước xuất, nhập khẩu gạo, không chỉ ở giá trị chuỗi cung ứng gạo mà còn tham gia phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới Đồng thời, gắn phát triển thị trường xuất khẩu gạo với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tạp chí The Rice Trader cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo của Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế, thương mại của thế giới có nhiều phức tạp, The Rice Trader bày tỏ tin tưởng vào sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong phát triển giá trị mặt hàng gạo trong thời gian tới.