Đẩy mạnh triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ
(DNVN) - Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 999 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Một điểm đáng chú ý trong đề án là Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng Sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.
Nhằm thảo luần về một cơ chế sandbox thế nào phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, Báo Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” vào sáng 7/11.
Phát biểu tham luận tại tọa đàm, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ được hỗ trợ bởi các thành tựu đột phá của công nghệ số, với khả năng đảm bảo kết nối và tương tác thời gian thực, khả năng thu thập, phân tích và khai thác khối lượng dữ liệu số khổng lồ để tìm ra tri thức giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường số đã mang đến các lợi ích, ưu thế vượt trội so với môi trường kinh doanh, nghiệp vụ truyền thống.
Trong khi đó, Sandbox là công cụ để để sáng tạo. Sandbox cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng. Việc thử nghiệm nhăm giúp tìm hiểu cần xây dựng quy định gì và áp dụng đối với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn phát triển và hỗ trợ cho sự sáng tạo, đổi mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh để dẫn dẳt trong lĩnh vực kinh doanh nghiệp vụ của mình.
Ông Khả nhấn mạnh, lý do chúng ta cần áp dụng Sandbox cho chuyển đổi số là vì các quy định đã hình thành trong một thời gian dài, để điều chỉnh các mô hình kinh doanh cũ được phát triển dựa trên các công nghệ đã được phát minh trước đây, rất khó để giới thiệu những mô hình kinh doanh mới, có tính đột phá, mà vẫn tuân thủ các quy định pháp lý có tính ràng buộc cao như hiện nay. Việc tuân thủ quy định đòi hỏi một đội ngũ nhân lực pháp lý hùng hậu, trong khi đó các doanh nghiệp và nhỏ, động lực đổi mới sáng tạo, thì không đủ nguồn lực để đảm bảo tuân thủ tất cả các quy định pháp lý đã được ban hành.
Việc không vượt qua được rào cản của các quy định cũ có thể làm hạn chế những ưu điểm mà công nghệ mới do các doanh nghiệp sáng tạo mang lại. Ví dụ điển hình nhất thời gian vừa qua là quy định về gắn mào để quản lý xe taxi công nghệ (khái niệm tạm dùng). Nếu không được điều chỉnh phù hợp thì quy định xe taxi dù công nghệ hay truyền thống đều phải gắn mào sẽ làm mất đi lợi ích mà công nghệ số mang lại đó là cho phép chia sẻ tài nguyên
Chia sẻ về những điểm nghẽn pháp lý Việt Nam trong Sandbox, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng: Sanbox bản chất là tận dụng được các nguồn cung, nguồn tài nguyên dư thừa để đưa người bán tìm đến người mua, từ đó giải toán được bài toán cân bằng giữ cung và cầu.
Hiện nay, nhiều nước trong khu vực dã áp dụng Regulatory Sanbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) như Singapore, Maylaysia, Indonesia, Thái Lan..., nhưng Việt Nam thì chưa thực nghiệm khung pháp lý. Do đó, ông Đồng đề xuất sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải và sửa đổi Nghị định 06 về truyền hình....
Từ đó, ông Đồng đưa ra khuyến nghị: Thứ nhất, Việt Nam cần thành lập một Tổ công tác Sanbox liên quan đến các bộ liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp... tạo nên một bộ liên ngành để chia rủi ro cho từng bộ, bởi trách nhiệm không thể chỉ thuộc một bộ. Thứ hai, sau khi thành lập tổ công tác sẽ có Văn phòng Sanbox quốc gia để tiếp nhận đăng ký và tư vấn chó doanh nghiệp trước khi nộp đơn chính thức, đồng thời giám sát thực thi của doanh nghiệp.
Trình bày về vai trò của cơ chế Sandbox trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TS. Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, với tư cách là một môi trường pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ, Regulatory Sandbox gắn liền với sự cho phép và giám sát của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực. Các cơ quan này về bản chất là những cơ quan hành chính, thực thi vai trò chấp hành pháp luật, các hoạt động của họ phải dựa trên những quy tắc pháp lý cụ thể. Trong khi đó, regulatory sandbox chỉ áp dụng đối với những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới, chưa có quy tắc pháp lý cụ thể điều chỉnh hoặc quy tắc hiện hành không phù hợp.
Do vậy, việc triển khai Regulatory Sandbox đòi hỏi cơ quan quản lý phải vượt qua chức năng thực thi pháp luật thông thường và có sự chủ động nhất định trong việc tiến hành các biện pháp quản lý cụ thể. Đồng thời, sự chủ động đó phải có những ràng buộc nhất định để đảm bảo quá trình thử nghiệm được thực hiện công bằng, hiệu quả và đồng bộ, tránh lạm quyền, phục vụ được cho mục tiêu là không làm mất cơ hội ứng dụng công nghệ mới do các quy tắc pháp luật chậm được ban hành hay thay đổi, đồng thời qua đó xác định được các yêu cầu thay đổi pháp luật phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ công nghệ mới sau thử nghiệm. Đây là những vấn để cần được giải quyết để thúc đẩy sự hình thành các Regulatory Sandbox ở Việt Nam.
Cho đến nay, ngoài việc được nhắc đến trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa có bất kỳ một quy tắc pháp lý nào xác định một cách hiểu thống nhất về Regulatory Sandbox cũng như cách thức để triển khai Regulatory Sandbox. Trong khi đó, việc triển khai regulatory sandbox liên quan đến nhiều vấn đề, bao gồm: lựa chọn doanh nghiệp/đơn vị phát triển công nghệ được phép thử nghiệm, loại công nghệ được thử nghiệm, thời gian và không gian thử nghiệm, trách nhiệm giám sát trong quá trình thử nghiệm, trách nhiệm pháp lý của người thử nghiệm, những yêu cầu về đánh giá trong quá trình thử nghiệm. Hơn nữa, với tư cách là một phương thức quản lý có tính thử nghiệm, Regulatory Sandbox phải được triển khai bởi các bộ, ngành quản lý các lĩnh vực cụ thể.
Với tư cách là những cơ quan chấp hành pháp luật, nếu không có những yêu cầu về trách nhiệm và những quy tắc miễn trừ nhất định, các cơ quan nhà nước có thể không có động lực trong việc triển khai xây dựng Regulatory Sandbox trong lĩnh vực quản lý của mình. Bên cạnh đó, việc triển khai môi trường pháp lý thử nghiệm liên quan đến sự lựa chọn, do vậy, các tiêu chí lựa chọn cần được quy định một cách công khai, minh bạch để đảm bảo các đối tượng liên quan được tiếp cận một cách bình đẳng.
Do vậy, bà Hồng nhấn mạnh cần có một hành lang pháp lý thiết lập các quy tắc chung cho việc triển khai Sandbox là cần thiết trong điều kiện hiện nay.