ĐBQH Hà Sỹ Đồng đề xuất 3 nhiệm vụ trọng tâm để khôi phục kinh tế
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt nước ta đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Đánh giá cao về kết quả kinh tế xã hội những tháng trong năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị cho rằng: Cử tri và đại biểu Quốc hội rất phấn khởi, trong tình hình đại dịch Covid 19 diển biến phức tạp và kéo dài, song Chính phủ đã hành động rất quyết liệt, đề ra những nhiệm vụ cơ bản, sát đúng với tình hình thực tế.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng khẳng định, đại dịch Covid đã làm đời sống của người dân và doanh nghiệp bị dứt gãy, cuộc sống người dân gặp khó khăn, doanh nghiệp thì hoạt động ngừng trệ... Nhưng có thể thấy, trong thời gian qua tất cả hệ thống chính trị của đất nước và nhân dân đã một lòng đoàn kết... Tổng bí thư đã ra tối hậu thư lần thứ 2; 10 tháng qua Chính Phủ đã hoạt động như con thoi và hết mình. Cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ... Dù chưa được như mong muốn nhưng chúng ta đã làm rất tố.
Cũng theo vị đại biểu này, để tháo gỡ khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải cần chú trọng thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng và phát triển đồng bộ hạ tâng và ưu tiên liên kết vùng để các địa phương liên kết vùng với nhau, những vùng có lợi thế phát huy và kết nối lại thị trường trong nước và Quốc tế. Nếu thực hiện được các nhiệm vụ này chúng ta nhất định sẽ thực hiện hoàn thành tốt Nghị quyết đã đề ra.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội.
Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh việc Chính phủ đặt chỉ tiêu cao để phấn đấu thì cũng cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện mục tiêu GDP tăng 6-6,5% năm sau.
Theo Ủy ban Kinh tế, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn cao, nguy cơ tiếp tục xuất hiện những biến chủng virus mới có khả năng lây lan cao hơn, bùng phát mạnh. Do đó, cần phải nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng GDP.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, các biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch Covid-19 - bao gồm phong tỏa, giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương - đã gây tác động rất tiêu cực đến kinh tế, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước.
Ngoài ra, tác động cũng xảy ra đáng kể ở Hà Nội và một số tỉnh ở phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Đây là là khu vực tập trung trọng điểm về sản xuất công nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý III là -6,17%, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay. Các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%, tiêu dùng giảm 2,83%, vận tải hành khách giảm 69,6%...
Tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay. Tình trạng này kéo tăng trưởng 9 tháng xuống 1,42%; dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước chỉ khoảng 3%.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, một số nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và sợ chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển và công tác phối hợp, tổ chức thực thi tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế Quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra (khoảng 6%). Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng; nợ xấu ngân hàng tăng. Một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề; công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
“Trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.