Đề nghị bổ sung dự án gần 3.500 tỷ đồng vào Quy hoạch điện VIII

Đông Bắc 12:04 | 11/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

  

Văn bản của UBND tỉnh Hậu Giang nêu, địa phương này nằm ở vùng có gió mạnh, ổn định, ít chịu ảnh hưởng của bão, là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió. Dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn điện tại chỗ của tỉnh, giảm bớt lượng điện truyền tải từ nơi khác về tỉnh.

Dự án sẽ đảm bảo an toàn cung ứng điện nội bộ và nguồn cấp điện cho nhu cầu đang tăng cao của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và khu vực lân cận; phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chủ trương của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo.

Để phát triển nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị  Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2, tỉnh Hậu Giang vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện.

 

 UBND tỉnh Hậu Giang xin bổ sung dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia. Ảnh BCT.

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trước đó, từ năm 2022, tỉnh đã có công văn thống nhất chủ trương cho Công ty Envision Energy (Hongkong) Limited khảo sát đo gió và thiết kế hồ sơ dự án Nhà máy điện gió Long Mỹ 2 tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Dự án có công suất sản xuất điện năng lượng gió là 100MW; tổng mức đầu tư dự kiến 3.464 tỷ đồng; diện tích gần 10 ha. Diện tích của dự án không chồng lấn với các dự án khác, không nằm trong rừng phòng hộ.

Vị trí, diện tích sử dụng cho dự án sẽ được nghiên cứu chuẩn xác trong các bước tiếp theo nhằm đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giảm thiểu các ảnh hưởng đến không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các hoạt động dân sinh trong khu vực.

Liên quan đến Quy hoạch điện VIII , Văn phòng Chính phủ cũng đã phát đi Thông báo số 379 ngày 14/9/2023 truyền đạt thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) ngày 8/9 vừa qua.

Theo đó,  Quy hoạch điện VIII được hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500 ngày 15/5/2023, trong đó đã nghiên cứu, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ về các yếu tố "động" và "mở" để có các biện pháp quản lý chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII đã nêu các tiêu chí, luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện để triển khai lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để các cấp các ngành tổ chức triển khai khả thi, hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo thông báo kết luận nêu trên, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là nội dung rất khó, cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng mới đáp ứng yêu cầu phê duyệt theo quy định.

"Mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, tuy nhiên, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 6046 ngày 31/8/2023 vẫn chưa đáp ứng đầy đủ về mức độ yêu cầu chi tiết để triển khai khả thi, hiệu quả và trình tự, thủ tục thực hiện còn chưa đầy đủ theo quy định", theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải bám sát phương án phát triển nguồn, lưới điện, các tiêu chí và giải pháp, nguồn lực thực hiện.

"Bộ Công Thương cùng các địa phương rà soát, thống kê các dự án nguồn điện tái tạo đã được quyết định chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư và đang triển khai; cũng như rà soát tiến độ thực hiện các dự án đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch", thông báo kết luận của Phó thủ tướng nêu.

Bộ này cũng được yêu cầu rà soát quy định pháp luật về quy hoạch, điện lực, đất đai, điều hành cung ứng điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc này nhằm xác định sự cần thiết trong tính toán cân đối cung - cầu hệ thống điện (quốc gia, miền) và xác định danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành hằng năm đến 2030.

Với các dự án điện than chậm tiến độ, Chính phủ lưu ý dự thảo kế hoạch cần làm rõ tính khả thi, tiến độ. Bản dự thảo kế hoạch cũng phải bổ sung việc thí điểm giao EVN, doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi, theo kết luận của Thường trực Chính phủ.