Đề nghị tính toán kỹ tính khả thi của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô

Đông Bắc 10:08 | 13/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan liên quan làm rõ tính khả thi của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô khi xác định hoàn thành giai đoạn 2021-2025.

Chiều 12/5, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô. Theo tờ trình của Chính phủ, chiều dài tuyến 112,8 km, đi qua Hà Nội 58,2 km; Hưng Yên 19,3 km; Bắc Ninh 25,6 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 85.810 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 28.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.200 tỷ đồng, vốn BOT 29.410 tỷ đồng. Mục tiêu là hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định Vành đai 4 là dự án quan trọng, trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội rất lớn, làm sao phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, tránh tình trạng "chuẩn bị đầu tư rất nhanh, thông số rất hoành tráng, nhưng tiến hành thì kéo dài, phân tán, dàn trải nguồn lực, thậm chí sai phạm".

Nhắc lại tình trạng vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5 Hà Nội đều chưa hoàn thành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan liên quan làm rõ tính khả thi của dự án Vành đai 4 khi xác định hoàn thành giai đoạn 2021-2025. "Chính phủ có cam kết đảm bảo được vấn đề này, nếu không thì ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm thế nào", ông Huệ nói, đề nghị cơ quan trình dự án chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh QH.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cơ quan trình dự án cần đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng; làm rõ khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

 

Liên quan đến dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, mới đây, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết với dự án đường vành đai 4, Vingroup đã được Hà Nội mời tham gia đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có thể chỉ tham gia ở góc độ xây dựng. Phần vốn sẽ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng thu xếp, còn Vingroup chỉ muốn dồn nguồn lực vào các dự án lớn đang theo đuổi.

Riêng đối với dự án Vành đai 4, ông Thanh đề nghị Hà Nội làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư trong bối cảnh "các dự án đường vành đai khác của thành phố còn chưa bảo đảm tiến độ". Và Hà Nội cần quan tâm, phân bổ nguồn lực hợp lý không chỉ phát triển cao tốc mà còn cho hệ thống giao thông công cộng. Đây là vấn đề "rất cấp bách, bức xúc nhưng chưa có nhiều chuyển biến tại Hà Nội".

Giải trình về tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai tại Hà Nội, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, hoàn thiện các vành đai Hà Nội đều là "tinh thần trong nghị quyết của nhiệm kỳ này". Vành đai 1 dài hơn 7 km, phần còn lại 2,5 km đang được tiếp tục, dự kiến 2024 hoàn thành. Vành đai 2 đang khép kín, thông tuyến toàn bộ và hoàn thiện nốt 2 cây cầu Vĩnh Tuy, Láng, dự kiến xong trong năm nay.

Vành đai 2,5 đang vướng một số khâu, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 85% khối lượng trong thời gian tới. Vành đai 3 đã hoàn thành gần như toàn bộ, từ Nội Bài - cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì - một phần cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, riêng đoạn tuyến số 3 phía Bắc còn 14 km sẽ được thực hiện cùng việc phát triển đô thị phía Bắc.

Còn vành đai 3,5, ông Chu Ngọc Anh cho hay thành phố đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến có 5 dự án, sẽ thông tuyến khoảng 40 km trong giai đoạn 2021-2025.

Về tính khả thi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận dự án gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn, liên quan nhiều địa phương, diện tích giải phóng mặt bằng lớn. Hạng mục xây lắp có nhiều nội dung như cao tốc trên cao, dưới thấp, đường song hành, đường gom...

Ông Chu Ngọc Anh cho rằng việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó có sử dụng vốn T.Ư, địa phương và BOT, vừa đảm bảo tốc độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn của dự án, phát huy được tính toàn diện của dự án với sự góp sức của nhiều địa phương.

 

Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 87.000 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2022 đến 2029. Theo dự kiến, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 5. Tại dự án này, Vingroup là đơn vị lập hồ sơ đề xuất đầu tư, ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác cũng bày tỏ quan tâm như T&T, Him Lam, DIC Corp, Phương Thành, Geleximco…