Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 10-15 năm để được hưởng chế độ hưu trí
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình lên Chính phủ dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Một trong số các nội dung đáng chú ý của dự thảo lần này là đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí.
Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu trước đây là 20 năm nay được đề xuất giảm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang áp dụng hiện hành, thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí là đủ 20 năm.
Thực tế số thời gian này khiến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Trong khi đó, nhiều nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu. Mặt khác, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội (tầng bảo hiểm xã hội phổ quát) do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Bộ còn điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Cũng trong dự thảo lần này, Bộ còn đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo hướng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với người lao động được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của tất cả mọi người tham gia bảo hiểm xã hội.
Quy định chế độ hưu trí trong dự thảo lần này cũng có 4 điểm sửa đổi đáng chú ý. Thứ nhất, sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí;
Thứ hai, bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng nếu thời gian đóng trước ngày 1/1/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2014 trở đi.
Thứ ba, bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.
Thứ tư, sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, quy định về tuổi nghỉ hưu,..
Dự kiến, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Nếu được thông qua, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới áp dụng từ ngày 1/4/2021
Hà Ly