Dệt may 'ngót' đơn hàng, xanh hóa là lối ra bền vững

Thùy Dương 17:29 | 23/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh những tháng đầu năm vẫn chưa khởi sắc đòi hỏi ngành dệt may cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua nút thắt "cầu yếu". Một trong những giải pháp bền vững mà doanh nghiệp hướng tới là đẩy nhanh quá trình sản xuất xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trên trường quốc tế.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nguyên nhân, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, trong 4 tháng qua các doanh nghiệp sợi ghi nhận cầu yếu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Đồng thời, doanh nghiệp may đối mặt với vấn đề thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh 20 - 50%.

Quý I vừa qua, kết quả kinh doanh của các "ông lớn" dệt may có xu hướng "giảm nhiều, tăng ít" do khó khăn chung của toàn ngành. Cụ thể, CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) giảm một nửa doanh thu trong quý I, và giảm 67% lãi ròng. CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) cũng giảm gần 22% doanh thu so với cùng kỳ xuống còn 876,4 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 55 tỷ đồng, tức giảm hơn 25% cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG là 1 trong số ít ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.334 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,6% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 40 tỷ đồng, tăng 5%. Tiếp đến, Tổng Công ty May 10 (Mã: M10) đạt 881 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 23,2 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

 Kết quả kinh doanh Quý I/2023 các doanh nghiệp lớn ngành dệt may. Ảnh: Thùy Dương tổng hợp

Về triển vọng, báo cáo ngày 18/5 của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC) chung nhận định các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng vào sự phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Cụ thể, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mặc dù ngành dệt may trong nước gặp nhiều thách thức ở nửa đầu 2023, thị trường có thể phục hồi dần trong nửa cuối năm nhờ áp lực lạm phát giảm tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sắp có hiệu lực và chi phí đầu vào & logistics giảm.

Trước đó, trong báo cáo ngành dệt may ngày 15/5, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng các doanh nghiệp gia công may mặc sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm nay do đơn hàng giảm mạnh. Nhóm phân tích đánh giá phải đến quý IV, các doanh nghiệp mới có thể phục hồi khi lạm phát tại Mỹ và EU hạ nhiệt.

"Xanh hóa" là xu thế tất yếu

Cùng với những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, ngành dệt may đang chịu sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng.

Trên thế giới, các thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn của Việt Nam đang ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các nhãn hàng lớn trên thế giới như Adidas cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch... Các nguyên liệu mới cấu thành sản phẩm phải là nguyên liệu có hàm lượng phát triển bền vững và được sản xuất từ dây chuyền phát thải carbon thấp.

"Xanh hóa" chuỗi sản xuất trong ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc triển khai. Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng.

Chia sẻ tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ngày 15/5, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, công ty mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu sử dụng. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, công ty đã triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi số, trong đó ưu tiên cho quản trị tài chính và quản lý nguồn nhân lực.

Phía Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP cũng có những phương pháp hướng đến chuyển đổi xanh - duy trì hoạt động doanh nghiệp bền vững. Ban lãnh đạo bày tỏ, ngoài các biện pháp về đa dạng hóa mặt hàng, phát triển dòng hàng thế mạnh, Việt Thắng còn triển khai thực hành tiết kiệm trên toàn bộ hệ thống, trong đó tập trung vào tiết kiệm bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng. “Với bông xơ, vật tư, phụ tùng, chúng tôi tập trung tăng cường tuyên truyền về việc tiết kiệm trong sản xuất, áp dụng triệt để 5S vào trong sản xuất để giảm tiêu hao; tính toán bảo trì bảo dưỡng khoa học, hợp lý theo quy trình để đạt được hiệu quả về hoạt động máy móc nhưng vẫn giảm tiêu hao phụ tùng.

Đối với năng lượng, tính toán giờ cao điểm và thấp điểm trong sản xuất theo quy định của ngành Điện lực để đạt hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng điện. Ngoài ra, Tổng Công ty còn đầu tư thay toàn bộ hệ thống chiếu sáng kiểu cũ bằng các hệ thống chiếu sáng Led mới tiết kiệm năng lượng; Lắp pin năng lượng mặt trời để có nguồn năng lượng xanh sạch đáp ứng một phần cho sản xuất; đầu tư chiều sâu vào các máy móc thiết bị mới sử dụng biến tần, động cơ tiết kiệm năng lượng…” - Tổng Giám đốc Việt Thắng cho biết.