ĐHĐCĐ LPBank: Phát hành 800 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

H.T 00:00 | 17/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
LPBank cho biết sẽ chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ngân hàng dự kiến sẽ không trả cổ tức trong ba năm nhằm tăng cường năng lực tài chính, đồng thời dự kiến đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ảnh: LPBank).

Chiều 17/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ninh Bình với nhiều nội dung quan trọng sẽ được trình tới các cổ đông như kế hoạch kinh doanh năm 2024, tăng vốn điều lệ, đổi tên ngân hàng,...

Tính đến 13h46, tổng số cổ đông tham dự đại hội 114 cổ đông đại diện cho hơn 2 tỷ cổ phiếu, tương đương 86,18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đồng cổ đông đã đủ điều kiện tiến hành.

Mục tiêu lãi 10.500 tỷ đồng, tăng 50%

Trong năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng lên mức 427.260 tỷ đồng, cao hơn 11,6% so với năm ngoái.

Huy động thị trường 1 được kỳ vọng ở mức 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong khi tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,9%, lên 319.140 tỷ đồng. Năm ngoái, LPBank đã vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao ở các chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, thu dịch vụ, tín dụng thị trường 1 và tổng tài sản.

 

Để hoàn thành cách mục tiêu trên, trong năm 2024, LPBank sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và chuyển đổi số, ưu tiên triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kinh doanh và quản trị điều hành như: Định danh eKYC, thanh toán không tiếp xúc NFC, triển khai nền tảng quản trị dữ liệu, giải pháp thanh toán, giải pháp ngân quỹ Treasury, nền tảng ngân hàng hợp kênh LienViet24h …

Tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng, không chia cổ tức trong ba năm

Đại hội đồng cổ đông LPBank thông qua việc tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng và ngừng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) do thị trường không phù hợp.

Theo đó, LPBank sẽ chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá, sẽ được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị (HĐQT) quyết định. Thời gian chào bán và các thông tin chi tiết khác vẫn chưa được công bố. Hiện vốn điều lệ của LPBank đang là 25.576 tỷ đồng. Sau chào bán, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 33.576 tỷ đồng, thuộc nhóm các nhà băng có vốn cao nhất Việt Nam.

LPBank có cơ hội lọt vào Top 10 các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong năm 2024.

Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, khả năng cạnh tranh và đổi mới công nghệ, nhằm mục tiêu phát triển bền vững năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong năm 2023, LPBank cũng đã tăng vốn từ 17.291 lên 25.576 tỷ đồng.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, HĐQT LPBank trình ĐHĐCĐ chiến lược không chia cổ tức trong vòng ba năm tới nhằm xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của năm 2023, lợi nhuận còn lại các năm trước chuyển sang và thặng dư vốn cổ phần (4.345 tỷ đồng) sẽ được giữ lại. Năm ngoái, LPBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tương đương gần 3.300 tỷ đồng.

Đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam

Đại hội cũng đã thông qua đề xuất đổi tên ngân hàng từ “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt” thành “Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam”,  tên tiếng Anh: Loc Phat Vietnam Joint Stock Commercial Bank. Tên viết tắt của ngân hàng vẫn giữ nguyên là LPBank.

Theo đó, tên gọi “Ngân hàng Lộc Phát” trong quan niệm của người Á Đông mang ý nghĩa tạo dựng sự phát triển, tài lộc, may mắn, phồn vinh và thịnh vượng.

 

Chia sẻ tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Việc đổi tên Ngân hàng đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa chiến lược thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng”.

Ngoài ra, Ban Kiểm soát LPBank cũng có tờ trình lên ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2008 với ông Nguyễn Phú Minh. Ngày 27/3, ông Minh đã có đơn từ nhiệm với lý do bản thân không đủ thời gian đảm nhiệm vai trò Thành viên Ban Kiểm soát.

THẢO LUẬN: 

1. Năm 2024 là năm khó khăn và có nhiều thách thức, ngân hàng sẽ làm gì để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2024?

Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến: Năm 2023 lợi nhuận LPBank đạt kết quả khả quan lợi nhuận trước thuế hơn 7.000 tỷ, vượt kế hoạch đề ra. Ngân hàng tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh doanh thông qua 4 nhóm hoạt động chính, tập trung tăng tín dụng ngay từ đầu năm cho lĩnh vực ưu tiên, bán lẻ, nông thôn,... Đồng thời, kiểm soát rủi ro để giữ chất lượng tài sản, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu 0,9%.

Tăng nguồn CASA để giảm giá vốn, tạo điều kiện giảm laix suất cho vay, đảm bảo NIM của ngân hàng. Tiếp tục tăng các mảng thu phí dịch vụ khác.

2. Trong bối cảnh các ngân hàng đang chuyển đổi số, cách làm của LPBank có gì khác?

Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến: Trong tiến trình chuyển đổi số, LPBank luôn lấy khách hàng làm trọng tâm. Chúng tôi đi theo triển khai đồng bộ, thần tốc, đầu tư các dự án trọng điểm, nâng cấp core T24, dữ liệu, giải pháp AI, blockchain,... LPBank tập trung số hoá quy trình bằng robot, tập trung khai thác dữ liệu từ AI, tăng trải nghiệm của khách hàng và rút ngắn quy trình xử lý nội bộ.

3. Tại sao LPBank lại quyết định chuyển đổi mô hình theo ngành dọc? Sự thay đổi có tác động như thế nào trong thời gian tới?

Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến: Quyết định chuyển đổi mô hình được quyết định sau ĐHĐCĐ 2023. Mô hình theo ngành dọc là thực hiện theo thông lệ quốc tế, được chứng minh qua các mô hình thành công trên thế giới và tại Việt Nam.

Từ 1/1/2024, toàn hệ thống đã chuyển đổi toàn diện bộ máy tổ chức, quản trị rủi ro, Với mô hình hoạt động mới giúp khai thác lợi thế mạng lưới rộng của LPBank.

4. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) 2023 cải thiện hơn so với năm 2022, mục tiêu năm 2024 là bao nhiêu? 

Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến: Chúng tôi cố gắng phấn đấu giảm tỷ lệ CIR từ 38% xuống 35% trên cơ sở tăng thu nhập từ các hoạt động lãi và ngoài lãi từ tăng quy mô hoạt động, đẩy mạnh ngân hàng số, đẩy mạnh thu phí hoạt động, quyết liệt xử lý nợ xấu.

Đồng thời, tối ưu hoá chi phí hoạt động bằng việc quản lý tập trung, tiết giảm chi phí nhân sự, giảm chi phí vận hành thông qua ứng dụng chuyển đổi số. Hạn chế mua sắm tài sản cố định, công cụ dụng cụ để tiết giảm chi phí.

5. Xin ban lãnh đạo chia sẻ về kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại? LPBank có chia cổ tức bằng tiền mặt trong tương lai gần không?

Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà: Năm 2022, ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường không thuận lợi, HĐQT đề xuất tạm dừng phương án này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác có uy tín và tiềm lực tài chính và mang lại lợi ích cho cổ đông.

Dự kiến LPBank chưa chia cổ tức trong vòng 3 năm tới để nâng cao năng lực tài chính. Sau đó tuỳ tình hình thực tế thì chúng tôi sẽ trình đại hội cổ đông các phương án trả cổ tức phù hợp.

6. Định hướng phát triển kinh doanh của ngân hàng trong các năm tới là gì?

Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy: Trong thời gian tới, ngân hàng có các định hướng phát triển như sau:

  1. Phát triển khách hàng bán lẻ, đặc biệt tại khu vực nông thôn
  2. Đẩy mạnh số hoá ngân hàng
  3. Tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng
  4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động
  5. Nâng cao năng lực rủi ro
  6. Gia tăng quyền lợi cho cổ đông và khách hàng
Từ khóa: #LPBank