CASA suy giảm, LDR vượt 100%, LPBank trước áp lực thanh khoản hiện hữu

Diên Vỹ 14:45 | 21/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại thời điểm 30/6/2025, tăng trưởng dư nợ cho vay tại LPBank đạt 11,2% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tiền gửi khách hàng đạt 7,06%. Tỷ lệ LDR vượt 100%.

Ảnh minh họa.

Lợi nhuận nửa đầu năm tăng 4%

Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank - mã LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 cho thấy kết quả kinh doanh có phần chậm lại với lợi nhuận trước thuế trong quý giảm gần 6% so với quý I.

Cụ thể, trong quý II/2025, LPBank  ghi nhận thu nhập lãi thuần 3.736 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở mảng thu ngoài lãi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lãi thuần từ hoạt động khác đều bộc lộ sự suy giảm. Cùng đó, chi phí hoạt động tăng 17% lên 1.462 tỷ đồng. Kết quả, LPBank báo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 3.451 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ.

Nỗ lực co kéo bộ đệm dự phòng rủi ro (-17% svck) song lợi nhuận trước thuế quý II của LPBank vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.988 tỷ đồng, đồng thời giảm gần 6% so với quý đầu năm.

Với kết quả kinh doanh tích cực của quý I, lũy kế 6 tháng năm 2025, LPBank báo lãi trước thuế 6.164 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 41,5% kế hoạch cả năm. 

Tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đạt 9.601 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.018 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 73% tổng thu nhập hoạt động. Thu ngoài lãi chiếm 27% còn lại, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nỗ lực của LPBank trong việc đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh nguồn thu lãi chậm lại. 

Tăng trưởng cho vay vượt xa huy động tiền gửi

Cũng theo báo cáo tài chính quý II, tại thời điểm 30/6/2025, dư nợ tín dụng của LPBank đạt 368.727 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng khoảng 11,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bán buôn bán lẻ (32,75% tổng dư nợ), kinh doanh BĐS và xây dựng (11,62%), công nghiệp chế biến chế tạo (8,15%), dịch vụ lưu trú ăn uống (8,41%)...

Chất lượng tài sản thể hiện sự suy yếu với dư nợ xấu tăng gần 26% lên 6.423 tỷ đồng sau 6 tháng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 44% lên 1.233 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 41% lên 3.428 tỷ đồng.

Nhìn chung, diễn biến suy giảm chất lượng tài sản tại LPBank tương đồng với xu hướng chung của nhiều ngân hàng trong hệ thống. Trong một nhận định gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã cảnh báo rủi ro nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng trong quý II, một phần do áp lực chuyển nhóm nợ trong bối cảnh nợ nhóm 2 bất ngờ tăng trở lại trong quý I sau ba quý giảm liên tiếp. 

Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ mức 1,54% hồi đầu năm lên 1,74% vào thời điểm kết thúc quý II. Bộ đệm rủi ro có chiều hướng mỏng đi, với tỷ lệ bao nợ xấu tại thời điểm kết thúc quý II đã giảm xuống mức 75% so với 85% hồi đầu năm. 

Mặt khác, về huy động vốn, tại thời điểm 30/6/2025, tiền gửi khách hàng tại LPBank đạt 313.174 tỷ đồng, tăng 7,06% so với đầu năm và thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 11,2% của tín dụng. Tỷ lệ CASA tại thời điểm kết thúc quý II giảm xuống 7,6% (so với 9,79% hồi đầu năm), góp phần gia tăng áp lực lên chi phí vốn và thanh khoản.

 Tỷ lệ CASA tại LPBank đã giảm đáng kể ngay từ quý I/2025. Ảnh: VIS Rating.

Chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn tại LPBank cũng như nhiều ngân hàng trong hệ thống diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động thấp và có xu hướng giảm khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn; trong khi đó nhu cầu vay vốn của nền kinh tế tăng nhanh từ đầu năm cùng với một số chính sách từ phía Chính phủ và NHNN như duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh tín dụng. 

Việc tín dụng tăng nhanh hơn huy động thể hiện sự lệch pha giữa đầu ra - đầu vào của dòng vốn, qua đó đặt ra một số thách thức nhất định về thanh khoản trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngân hàng có hệ số sử dụng vốn (LDR) cao.

Tại thời điểm kết thúc quý I/2025, LPBank là một trong 5 ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi khách hàng (LDR) cao nhất hệ thống. Bước sang quý II, tỷ lệ LDR tại LPBank vẫn tiếp tục duy trì ở mức trên 100%.

Liên quan đến vấn đề nguồn vốn và thanh khoản, VIS Rating trong một báo cáo gần đây lưu ý rằng áp lực đang trở nên rõ rệt hơn tại một số ngân hàng quy mô vừa như LPBank, TPBank..., một phần do mức tài sản thanh khoản thấp hơn. 

Theo các chuyên gia, với tăng trưởng cho vay vượt huy động tiền gửi, các ngân hàng này có thể sẽ gia tăng phụ thuộc vào trái phiếu dài hạn để bổ sung nhu cầu vốn.

Hồi cuối tháng 6 qua, LPBank đã công bố nghị quyết HĐQT về phương án triển khai chào bán 9 triệu trái phiếu mã LPB7Y202403 (kỳ hạn 7 năm) và 1 triệu trái phiếu mã LPB10Y202404 (kỳ hạn 10 năm), với thời gian phân phối dự kiến từ quý III-quý IV/2025.

Theo LPBank, tổng cộng số tiền 1.000 tỷ dự kiến huy động từ việc phát hành hai mã trái phiếu nói trên sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, hồi đầu năm nay, LPBank cũng chào bán thành công toàn bộ 29 triệu trái phiếu mã LPB7Y202401 (kỳ hạn 7 năm) và 1 triệu trái phiếu mã LPB10Y202402 (kỳ hạn 10 năm), qua đó huy động tổng cộng 3.000 tỷ đồng.