ĐHĐCĐ Nam Long: Tổng Giám đốc nói về 4 trọng điểm trong năm 2023, có thể gọi vốn đối tác tại các dự án 200-250 triệu USD
Theo chia sẻ của HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào sáng nay (ngày 22/4), 2022 là một năm đầy thách thức của ngành bất động sản khi từ cuối quý II, thị trường bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, giao dịch bị trì hoãn, các dự án chưa vững về pháp lý đều phải tạm dừng, đó là chưa kể những tác động chung từ nền kinh tế vĩ mô thế giới.
2022 là một năm đầy thử thách, khó khăn hơn cả giai đoạn 2008-2012 trước đây.
Trong bối cảnh khó khăn này, Nam Long đã bám sát định hướng phát triển 10 năm của tập đoàn, thực hiện đúng tiến độ các dự án khu đô thị tích hợp lớn như Waterpoint, Izumi, Mizuki và các dự án thuộc dòng affordable housing (nhà ở vừa túi tiền) như Akari (5.000 ccăn hộ chung cư thuộc dòng Flora), EHome Southgate (1.000 căn hộ thuộc dòng EHome),…
Tổng doanh số trong năm đạt trên 10.000 tỷ đồng. Doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 4.339 tỷ đồng và 556 tỷ đồng, tương đương 60,7% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ở những tháng cuối năm, Nam Long đã huy động tổng cộng 1.973 tỷ đồng, trong đó có 1.000 tỷ đồng từ IFC - thuộc tổ chức ngân hàng thế giới Worldbank. Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, IFC là cổ đông NLG từ năm 2014, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm affordable housing.
Nói thêm về kết quả kinh doanh 2022, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng Giám đốc Nam Long, cho biết "đây là lần đầu tiên Nam Long doanh số của Nam Long vượt mốc 10.000 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 43% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch ban đầu có tính toán được đóng góp phần lớn từ dự án Nam Long Cần Thơ nhưng quy trình pháp lý dự án này chậm trễ hơn chúng tôi kỳ vọng.
2022 là một năm đầy thử thách, khó khăn hơn cả giai đoạn 2008-2012 trước đây. Đặc biệt ở 6 tháng cuối năm, những thông tin tiêu cực tác động đến thị trường, giảm niềm tin ở góc độ người mua nhà nên tình hình bán hàng của Nam Long gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù kết quả không được như kỳ vọng, kế hoạch xây dựng ban đầu nhưng đây là nỗ lực của cả tập đoàn".
4 trọng điểm trong năm 2023
“Thị trường bất động sản 2023 được dự đoán là một bức tranh không có nhiều gam màu sáng trong 6 tháng đầu năm. Tuy tình hình chung của thị trường chưa thật sự hoàn toàn thuận lợi, Nam Long khẳng định không thể ngồi chờ một cách thụ động và mong ước những sự thay đổi từ bên ngoài”, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng Giám đốc Nam Long cho hay.
Cũng theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Nam Long, doanh nghiệp sẽ tập trung vào 4 trọng điểm quan trọng trong năm nay: (1) Bán hàng; (2) tối đa hóa, tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận; (3) tập trung giải quyết pháp lý - một trong những lý do năm ngoái Nam Long không hoàn thành kế hoạch; (4) tập trung nhiều hơn vào việc cân đối dòng tiền hiệu để tồn tại trong tình hình rất khó khăn và phát triển trong những năm tiếp theo.
"Đối với công tác bán hàng, chúng tôi nghiên đã cứu thị trường, tìm hiểu phân khúc người mua thật ở đâu và những gì có thể giúp khách hàng mua nhà của mình để đưa ra kế hoạch bán hàng phù hợp, sát với thực tế", Tổng Giám đốc Nam Long nói.
Từ kinh nghiệm vượt qua các giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất của thị trường bất động sản những năm 1997 hay 2008-2012, Nam Long xây dựng kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu đạt 4.836 tỷ đồng doanh thu thuần và 586 tỷ đồng lãi ròng trong năm nay, lần lượt tăng 11% và 5% so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Trong đó, doanh thu dự kiến ghi nhận từ (1) bàn giao các dự án trọng điểm gồm Southgate (Waterpoint giai đoạn 1), Izumi City, EHome Southgate, Akari; (2) cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh, liên kết; (3) bán các tài sản thương mại tại các dự án VCD, Nam Phan, Ehome.
Tiếp tục tập trung vào phân khúc “affordable housing”
Trong năm nay, Nam Long sẽ nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường hiện tại, ưu tiên phát triển các sản phẩm dẫn đầu phân khúc nhà ở vừa túi tiền có thị trường bền vững như Ehome (1-1,5 tỷ đồng/căn), Flora (1,5-3 tỷ đồng/căn), Valora (3-5 tỷ đồng/căn),...
Quan điểm của Nam Long là 1 người bạn cũ hơn 2 người bạn mới. Người bạn cũ đã cùng mình trải qua thử thách, khó khăn đến thành công thì mình tin tưởng, đồng hành ở giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ khảo sát thị trường, tập trung triển khai các khu đô thị lớn đã sẵn sàng phát triển như Southgate (Waterpoint giai đoạn 1), Mizuki, Izumi City, Akari, Nam Long - Cần Thơ, Nam Long Đại Phước,… với mục tiêu tổng doanh số đạt 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
Chủ tịch Nam Long chia sẻ: "Đây đúng là sở trường của Nam Long. Chúng tôi đã chuẩn bị từ những năm 1990 với những sản phẩm Ehome, phù hợp với thị trường và năng lực thanh toán của người mua nhà.
Trong năm nay, Nam Long sẽ có những chính sách hỗ trợ người mua nhà như giãn tiến độ thanh toán, giảm lãi suất; ưu tiên mở rộng quỹ đất cho sản phẩm nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.
Các đối tác Nhật Bản của Nam Long đều ủng hộ Nam Long phát triển dòng sản phẩm affordable housing. Nếu bỏ tiền không đúng nơi, đúng chỗ sẽ dẫn đến tồn kho sản phẩm, doanh nghiệp sẽ mất thanh khoản".
DANH MỤC DỰ ÁN ĐANG TRIỂN KHAI CỦA NAM LONG
Bàn giao 360 căn Flora trong 3 tháng đầu năm
Kết thúc quý I/2023, Nam Long đạt trên 235 tỷ đồng doanh thu thuần và 6,8 tỷ đồng lãi ròng (cùng kỳ đạt 587 tỷ đồng doanh thu thuần và 630 triệu đồng lãi ròng); tương đương 5% kế hoạch doanh thu và 1,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Nam Long, thông tin doanh nghiệp đã bàn giao được 360 căn hộ Flora thuộc dự án Mizuki trong ba tháng đầu năm. Số lượng khách hàng đã đóng đủ 95% giá trị căn hộ để nhận bàn giao ghi nhận 395 căn.
“Đáng lẽ nếu tỷ lệ bàn giao này ghi nhận thấp hơn thì quý I có khả năng tình hình kinh doanh rơi vào vùng lỗ rất cao. Với tình hình hiện nay, ai cũng nghĩ người mua không có tiền hoặc không muốn đóng nhưng thực chất khách hàng đóng nhanh hơn, nhiều hơn những gì mà doanh nghiệp dự kiến. Đó là minh chứng sản phẩm phù hợp cho nhu cầu thực vẫn đang được hấp thụ tốt ngay trong thời điểm này”, Giám đốc Đầu tư Nam Long cho biết thêm.
Phiên thảo luận
Cổ đông: Các dự án hạ tầng như vành đai 3 kết nối đến dự án của Nam Long hiện nay? Tình hình mở bán dự án Izumi, Waterpoint?
Đại diện Nam Long: Theo kế hoạch xây dựng từ cuối năm ngoái, chúng tôi sẽ mở bán phân khu số 4 của dự án Izumi City trong quý I năm nay. Tuy nhiên, đầu năm 2023 chúng tôi đánh giá lại thị trường, cấu trúc sản phẩm và nhận thấy rằng thời điểm này chưa phù hợp nên Ban Giám đốc đã trao đổi với đối tác liên doanh tạm dùng mở bán để tập trung thiết kế sản phẩm vừa túi tiền, điều chỉnh lịch mở bán theo thời gian phù hợp.
Đối với dự án Waterpoint, trong 3 tháng đầu năm chúng tôi chưa giới thiệu thêm phân khu mới mà tiếp tục bán các phân khu đã giới thiệu trước đó.
Dự án Vành đai 3 đến nay đã được triển khai được khoảng 80%. Đây là động lực lớn cho dự án 45 ha đảo Đại Phước. Chúng tôi có kế hoạch mở bán dự án này vào đầu năm 2024.
Trong năm nay Nam Long có kế hoạch mở bán sản phẩm tại các dự án nào?
Đại diện Nam Long: 2023 Nam Long sẽ mở bán một số dự án điển hình: Ehome (Mizuki, Southgate), Ehomes (dự án Nam Long Cần Thơ) và một dự án mới có thể mở bán cuối năm ở Hải Phòng.
Vì sao Nam Long đặt kế hoạch doanh số thận trọng trong năm 2023?
Đại diện Nam Long: Trong kịch bản thận trọng nhất, chúng tôi hướng đến doanh số bán hàng 9.400 tỷ đồng, dựa trên cơ sở tình hình kinh tế không xấu hơn mà đi ngang, sau đó hồi phục và tăng trưởng vào cuối 2023, đầu 2024.
Ở kịch bản tích cực hơn, có thể doanh số sẽ cao hơn 20-30% so với mức thận trọng.
Kế hoạch phát triển quỹ đất của Nam Long?
Đại diện Nam Long: Hiện Nam Long có quỹ đất sạch sẵn sàng phát triển dự án là 685 ha, có thể đáp ứng nhu cầu phát triển trong 5 năm tới.
Tình hình thị trường bất động sản vừa qua cũng là cơ hội để Nam Long tìm kiếm quỹ đất mới. Năm nay Nam Long dành ra hạn mức vốn lớn để mua thêm quỹ đất, tuy nhiên giai đoạn này chúng tôi chưa chia sẻ được thông tin, con số cụ thể vì đang trong gia đoạn đàm phán.
Nam Long dự định tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội không? Ban lãnh đạo chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị của công ty?
Đại diện Nam Long: Chúng tôi khẳng định là có tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội. Tại các diễn đàn, Chủ tịch của chúng tôi đã khẳng định Nam Long cam kết xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội trong những vùng dự án Nam Long đang làm (Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An).
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những block nhà ở xã hội mà chúng tôi còn cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị tích hợp dành riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.
Kế hoạch huy động vốn của Nam Long?
Đại diện Nam Long: Về nguồn tiền phát triển quỹ đất, Nam Long ưu tiên kêu gọi đối tác cả trong và ngoài nước ở cấp độ dự án. Như dự án Izumi City, Nam Long sở hữu 60% và có thể gọi thêm 10-15% (tương đương 50-100 triệu USD). Tương tự, Nam Long có thể kêu gọi thêm tại dự án Long An. Tổng vốn có thể huy động từ hai dự án này khoảng 200-250 triệu USD và Nam Long có thể dùng tiền này để mua quỹ đất.
Việc gọi vốn nếu được thì triển khai trong năm nay, không thì sang năm sau bởi chúng tôi phải đánh giá mức độ ưu tiên, nguồn vốn huy động trước hết tập trung cho các dự án đang phát triển. Đối với các dự án có thời gian phát triển 7-8 năm, chúng tôi sẽ tìm đến dòng vốn dài hạn (đối tác, trái phiếu).
Vì sao ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay thấp như vậy?
Đại diện Nam Long: Chúng tôi đã tiến hành các bước nghiên cứu thị trường, sản phẩm để đưa ra con số khả thi nhất. Với tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, sức mua trên thị trường còn nhiều trở ngại, chúng tôi không muốn đưa ra những con số đẹp để rồi quá trình triển khai không làm được, thất hứa với cổ đông. Con số này khiêm tốn nhưng thực tế, toàn thể tập đoàn nỗ lực để đạt được con số này.
Kế hoạch kinh doanh của Nam Long trong 3 năm tới?
Đại diện Nam Long: Năm vừa qua kế hoạch bán hàng của Nam Long không đạt được như kỳ vọng, ảnh hưởng một phần đến kế hoạch dài hạn sắp tới. Bên cạnh các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền hiện có, năm nay Nam Long tiếp tục tập trung, chuẩn bị đẩy nhanh tiến độ bán hàng, thúc đẩy tăng trưởng trong 3 năm tới.
Tình hình khó khăn như vậy công ty có cắt giảm nhân sự không?
Đại diện Nam Long: Nam Long với tính chất là công ty chuyên xây dựng, phát triển dự án (khoảng 80% nhân sự tập trung cho hai mảng này), chúng tôi lập kế hoạch trên nền tảng khả thi.
Việc phát triển dự án không phải một năm mà cần nhiều năm nên Nam Long cần nguồn lực cả về con người và tài chính để đáp ứng. Chúng tôi không cắt giảm nhân sự như các công ty bên ngoài thị trường áp dụng mà chúng tôi đánh giá lại nguồn lực, để có đủ nhân lực đối diện với khó khăn sắp tới, loại bỏ lực lượng lao động yếu kém hay công việc trùng lắp.
Đồng thời, chúng tôi cũng tận dụng cơ hội để đón nhận nguồn lực mới từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu, đồng hành với tập đoàn để đáp ứng các nhu cầu phát triển. Thay đổi và sàng lọc là chủ trương của Nam Long.
Cổ đông thông qua tất cả các tờ trình.