ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 31.500 tỷ đồng, dự kiến cuối năm sẽ IPO TCBS

Doanh Doanh 17:32 | 26/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng nay (26/4), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2025 với các nội dung quan trọng như tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh, thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát....

 

 ĐHĐCĐ Techcombank. (Ảnh: LP)

Tính đến 9h, số cổ đông trực tiếp và uỷ quyền tham dự đại hội là 253 người, đại diện cho 5,27 tỷ cổ phần đang lưu hành có quyền biểu quyết, chiếm tỷ lệ 74.66% vốn điều lệ của Techcombank.

Chia sẻ mở đầu đại hội, ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank điểm lại những kết quả nổi bật mà Techcombank đã đạt được trong năm 2024. Tại thời điểm 31/12/2024 tổng tài sản ngân hàng đạt 978.799 tỷ đồng tăng 15,2% so với năm 2023 và tổng huy động bao gồm chứng chỉ tiền gửi đạt 631.173 tỷ đồng tăng 24,5%.

Kết quả kinh doanh 2024 Techcombank. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ 2025)

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm của toàn ngân hàng đạt 27.538 tỷ đồng, tăng 20,3%, vượt kế hoạch đề ra là 27.100 tỷ đồng. Mức tăng trưởng chủ yếu đến từ thu lãi nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ và 20 điểm cải thiện về NIM trong năm 2024. 

Tín dụng tăng 20,85% lên 640.668 nghìn tỷ đồng, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tỷ lệ CAR theo thông tư 41 được duy trì ở mức 15,3% cao hơn nhiều so với với yêu cầu tối thiểu 8%. Tỷ lệ nợ nhóm 3 - 5 được kiểm soát tốt, giảm xuống 1,17% so với mức 1,19% năm trước.

Tổng giám đốc cũng cho biết trong mảng ngân hàng đầu tư, Techcombank hiện chiếm hơn 50% thị phần trên thị trường trái phiếu (ngoại trừ trái phiếu ngân hàng), cho thấy sự phục hồi rõ nét và một sự “trở lại” đầy mạnh mẽ của ngân hàng. Với bancassurance, dù có sự điều chỉnh do thay đổi đối tác từ Manulife sang AIA và FWD, ngân hàng vẫn duy trì được vị thế vững chắc.

Trong năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo phê duyệt của NHNN, hạn mức được cấp đến thời điểm hiện tại là là 745.738 tỷ đồng tăng 16,4% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ nhóm 3 - 5 thấp hơn 1,5%. 

Ngân hàng kỳ vọng triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ duy trì quanh mức 7%. Với mục tiêu hướng tới là trở thành ngân hàng đầu tiên ứng dụng AI toàn diện, dẫn dắt hành trình chuyển đổi số của ngành tài chính.

Sẽ phát hành 21 triệu cổ phiếu ESOP,  chia cổ tức 10% bằng tiền mặt 

Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành 21 triệu cổ phiếu cho người lao động, tương ứng với tỷ lệ hơn 0,3%, với mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 213,9 tỷ đồng. 

Thời gian phát hành dự kiến trong quý III hoặc quý IV/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình.

Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành ESOP kể trên sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động ngân hàng.

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Techcombank đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 10% (tương ứng mỗi cổ phần nhận 1.000 đồng). Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.

Nguồn chi trả cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 căn cứ trên báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Techcombank.

Tiến độ thực hiện trước 31/12/2025, địa điểm cụ thể sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của Ngân hàng, bảo đảm lợi ích của cổ đông.

Nói về mục đích trả cổ tức bằng tiền mặt, đại diện Techcombank cho biết, với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, Ngân hàng tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chỉ trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại, trong khi vẫn tiếp tục đã tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp một từ 14-15% là hoàn toàn khả thi.

"Chính sách cổ tức là cam kết của ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết với cổ đông. Với việc đầu tư vào Techcombank, cổ đông vừa có thu nhập trực tiếp đến từ cổ tức tiền mặt, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá dựa trên vị thế dẫn đầu của Ngân hàng tại thị trường tài chính Việt Nam và trong khu vực," đại diện Techcombank chia sẻ.

Thảo luận:

Sản phẩm sinh lời tự động đang bị nhiều ngân hàng khác sao chép, Techcombank có bị ảnh hưởng về thị phần? 

Tổng giám đốc Jens Lottner: Chúng tôi không thấy sản phẩm sinh lời tự động đang bị mất thị phần. Ngược lại, khi có thêm đối thủ tung sản phẩm tương tự, điều đó càng giúp thị trường hiểu rõ hơn giá trị thực sự của chương trình. Một số đối thủ quảng bá sản phẩm bằng cách khuyến khích khách hàng tự quyết định chuyển tiền vào chứng chỉ tiền gửi, sau đó khi cần rút tiền lại phải thực hiện thao tác thủ công. Đó không phải là sinh lời tự động theo đúng nghĩa. 

Sinh lời tự động của chúng tôi là khách hàng chỉ cần nhấn một nút kích hoạt, sau đó toàn bộ số dư tài khoản được tự động tối ưu lãi suất - vẫn có thể dùng thanh toán như tài khoản thanh toán thông thường. Trong quý gần nhất, đã có tới 800.000 khách hàng đăng ký sử dụng sản phẩm này.

Ngân hàng có đặt mục tiêu nâng ROE lên trên 20% không? Và làm sao để đạt được?

Tổng giám đốc Jens Lottner: Chúng tôi hoàn toàn hướng tới mục tiêu ROE trên 20%. Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang nắm giữ mức vốn chủ sở hữu cao hơn đáng kể so với trung bình ngành trong khi nhiều ngân hàng khác chỉ giữ khoảng 12%. Nếu giảm vốn chủ về mức đó, lợi nhuận trên vốn của chúng tôi đã đạt ngưỡng 20%. 

Việc giữ mức vốn cao giúp ngân hàng sẵn sàng ứng phó với các biến động lớn như đại dịch, khủng hoảng lãi suất hay bất ổn thương mại. Điều cần làm lúc này là tìm kiếm thêm nguồn thu từ phí, đó là hướng mà chúng tôi đang tích cực triển khai. 

Chiến lược chuyển đổi số của Techcombank ra sao để lọt top 3 ngân hàng số? 

Tổng giám đốc Jens Lottner: Chúng tôi đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào công nghệ trong 5 năm qua và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh và đã được số hóa hoàn toàn. Mới đây, chúng tôi triển khai 19 chi nhánh theo định dạng mới, tất cả đều số hóa.

Bước tiếp theo là tích hợp AI vào toàn bộ trải nghiệm khách hàng, dữ liệu sẽ được phân tích sâu để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với từng khách hàng. 

Nhờ mô hình này, chúng tôi đã có thể quay trở lại mảng tín dụng bán lẻ và SME.

Chiến lược hợp tác với các công ty Fintech và tập đoàn công nghệ lớn của ngân hàng hiện nay ra sao? 

Tổng giám đốc Jens Lottner: Chúng tôi hợp tác rất nhiều với các đối tác công nghệ - không chỉ những công ty nhỏ mà còn là các tên tuổi hàng đầu thế giới. Chúng tôi cũng đang làm việc với các nhóm phát triển công nghệ tại châu Âu và hợp tác sâu với một đơn vị công nghệ có liên quan tới triển khai blockchain tại Việt Nam. Mục tiêu là đưa công nghệ mới vào hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng, từ thanh toán đến bảo hiểm. 

NIM của ngân hàng đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng và lãi suất điều hành giảm?

Tổng giám đốc Jens Lottner: Tôi cho rằng nguyên nhân chính là áp lực cạnh tranh trong toàn ngành ngân hàng đang gia tăng đáng kể, nhất là đối với khách hàng vay có chất lượng tín dụng tốt. Cùng lúc đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra định hướng rõ ràng về việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó khiến lãi suất cho vay giảm nhanh, trong khi lãi suất huy động lại giảm chậm hơn, dẫn đến biên lợi nhuận lãi thuần thu hẹp. Trong môi trường cạnh tranh hiện tại, điều đó có thể xem là một kết quả tích cực.

Ngân hàng đang làm gì để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và tăng trưởng giá trị cổ phiếu một cách bền vững? 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Về quyền lợi của cổ đông, cam kết lớn nhất của chúng tôi hiện nay là hiện thực hóa mục tiêu đạt vốn hóa thị trường 20 tỷ USD vào cuối năm 2025. Đến thời điểm hiện tại, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đã đạt khoảng 174.000 tỷ đồng. Tôi tin rằng nếu Techcombank thực hiện được đúng các kế hoạch và chiến lược đề ra, mục tiêu đó hoàn toàn khả thi.

Đồng thời, ngân hàng cũng phát triển thêm các mảng mới như tài chính tiêu dùng, khách hàng SME, các sản phẩm sinh lời cho khách hàng để mở rộng tệp khách hàng và khẳng định vị thế trên thị trường. Nhưng để nhà đầu tư thực sự tin tưởng vào sự phát triển bền vững của Techcombank, vẫn cần có thêm thời gian. 

Hiện nay, phần lớn các cổ đông của Techcombank đều là cổ đông lớn, có quan hệ gắn bó chặt chẽ với ngân hàng. Techcombank duy trì đều đặn các cuộc gặp mặt định kỳ hàng quý với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có đánh giá độc lập từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Mỗi quý, Techcombank đều duy trì các kênh đối thoại rất cụ thể với giới đầu tư.

Techcombank đánh giá thế nào về khả năng thu hồi các khoản hỗ trợ lãi suất thấp đã cấp cho nhà đầu tư trong thời gian vừa qua?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Tôi cho rằng, khi nền kinh tế phục hồi, các nhà đầu tư phục hồi được hoạt động kinh doanh thì những khoản hỗ trợ lãi suất này sẽ được điều chỉnh về mức thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa Techcombank sẽ thu được dòng tiền từ các khoản này trong tương lai. Trong năm nay, ngân hàng có thể bắt đầu ghi nhận một phần, nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến thực tế của hoạt động kinh doanh. 

TCBS có dự kiến IPO trong năm 2025 không? Và thời điểm cụ thể?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với một hai nhà đầu tư lớn, đánh giá ban đầu từ các nhà đầu tư là rất tích cực, cho thấy họ nhìn nhận cao tiềm năng và vị thế của công ty. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể hơn tôi xin phép chưa thể công bố vào lúc này.

Về thời điểm IPO, chúng tôi dự kiến thực hiện trong năm nay, có thể vào cuối năm. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau và đã thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để sẵn sàng cho việc này.

Sau khi phát hành thành công, việc sử dụng nguồn vốn thu về như thế nào để đảm bảo hiệu quả đầu tư và duy trì ROE cao, cũng là một bài toán mà chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng. Ngoài việc tạo giá trị cho ngân hàng, cũng phải cân nhắc đến quyền lợi của các cổ đông và sự phát triển bền vững.

Tính năng kiểm thử danh mục của TCBS hiện chỉ cho tái cân bằng theo tháng, liệu có thể rút ngắn chu kỳ này xuống theo tuần để tối ưu hóa hơn cho nhà đầu tư? Chính sách margin của TCBS có gì khác biệt giữa các nhóm khách hàng?

Chủ tịch TCBS Nguyễn Xuân Minh: Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến TCBS. Sau tháng 5, chúng tôi sẽ triển khai một số tính năng mới theo tuần, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch ngắn hạn. 

Chúng tôi sẽ mở rộng các tính năng API cho nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch tự động, thông qua thuật toán hay robot. Tuy nhiên vẫn phải kiểm soát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến thanh khoản hoặc sự ổn định thị trường.

Về lãi suất margin, chúng tôi áp dụng chính sách giá theo từng nhóm khách hàng. Có những khách hàng đã đồng hành với Techcombank và TCBS nhiều năm được hưởng lãi suất margin chỉ 9,5%. 

Tại sao TCBS không cung cấp margin cho cổ phiếu TCB?

Chủ tịch TCBS Nguyễn Xuân Minh: Về việc TCBS không cho vay margin và chuyển khoản trực tiếp sang Techcombank là do quy định pháp lý. Theo luật hiện hành, các công ty con, công ty liên kết không được thực hiện cho vay margin với ngân hàng mẹ hoặc các tổ chức liên quan. TCBS cũng không được phép vay bất kỳ khoản nào từ Techcombank, mà buộc phải huy động vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác trên thị trường. Đây cũng là một biện pháp đảm bảo minh bạch, tránh xung đột lợi ích trong hệ sinh thái.

Techcombank có tham gia vào dự án cao tốc Đắk Nông - Bình Phước không?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh

Ở dự án đường cao tốc Đắc Nông - Bình Phước, Techcombank có vai trò là nhà thu xếp vốn chứ không phải là chủ đầu tư. Nếu các cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ được khởi công sớm hơn dự kiến. TCB sẽ đưa dịch vụ tốt nhất để tuyến đường khởi công và tạo hành lang quan trọng nối Tây Nguyên và vùng đồng bằng.

Techcombank đánh giá thế nào về triển vọng thị trường bất động sản năm 2025? Sức mua của người tiêu dùng có đang hồi phục?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Về thị trường bất động sản, tôi cho rằng đây là một câu chuyện khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác ngay lập tức. Về thị trường BĐS, có rất nhiều đánh giá về thị trường kinh tế vĩ mô của các tổ chức, chuyên gia. Nếu chiến tranh thương mại xẩy ra thì chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế, GDP, khả năng tiêu dùng, sức mua của người tiêu dùng. Theo tôi, trong ngắn hạn thị trường BĐS chưa chịu tác động, nhưng trong tương lai sẽ ảnh hưởng, một phần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng 

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đầu tư hạ tầng là rất lớn, theo đánh giá của chúng tôi là thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ không bứt phá nhưng cũng đang từ từ vượt qua điểm rơi của thị trường. Sức mua đang dần trở lại so với trước khi khủng hoảng, phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.